Các vạt phẫu thuật tiếp cận làm sạch bề mặt chân răng

Mục tiêu

Mục tiêu của chương này là xem xét lại các chỉ định và chống chỉ định của làm sạch bề mặt chân răng bằng phẫu thuật và trình bày thủ thuật một cách chi tiết.

Kết quả

Sau khi đọc chương này, người đọc cần quyết định được tình huống lâm sàng nào đòi hỏi phải tiếp cận phẫu thuật để làm sạch bề mặt chân răng (RSD) và hiểu được các thủ thuật liên quan.

Giới thiệu

Viêm quanh răng là một tổn thương viêm, trung gian bởi sự tương tác giữa vật chủ-ký sinh, dẫn đến mất mô liên kết bám dính vào bề mặt chân răng và phá hủy xương ổ răng gần kề. Quá trình bệnh lý lúc đầu bao gồm sự di chuyển về phía chóp của bám dính biểu mô kết nối dọc theo bề mặt chân răng, sau đó là dày lớp lót biểu mô để hình thành biểu mô lót túi lợi.

Túi lợi trên xương hình thành khi giới hạn về phía chóp của túi lợi nằm về phía thân răng so với mào xương ổ răng; nó là hậu quả của tiêu xương ngang (Hình 4-1). Túi lợi trong xương khi giới hạn về phía chóp của túi nằm về phía chóp răng so với mào xương ổ răng, nó là hậu quả của tiêu xương dọc (Hình 4-2).

QE21_Bateman_fig050a.jpg

Hình 4-1 Túi lợi trên xương.

QE21_Bateman_fig050b.jpg

Hình 4-2 Túi lợi trong xương.

Lựa chọn điều trị cho bệnh nhân viêm quanh răng thay đổi tùy theo mức độ và kiểu mất bám dính, các biến đổi về giải phẫu tại chỗ, loại bệnh quanh răng và mục tiêu điều trị.

Điều trị trước phẫu thuật

Tất cả bệnh nhân nên được khám kỹ lưỡng bao gồm phân tích Xquang, ghi lại chi tiết đồ hình nha chu, đánh giá tình trạng chẽ răng, chảy máu khi thăm khám, lung lay răng và sự hiện diện của mủ. Các thông tin này nên được ghi lại ở buổi hẹn đầu tiên và chúng rất quan trọng cho chẩn đoán, lập kế hoạch điều trị và tiên lượng. Các thông tin tương tự nên được ghi lại trong và sau phase điều trị trước phẫu thuật cũng như điều trị phẫu thuật vì chúng sẽ giúp đưa ra chỉ định điều trị đúng và có thể hướng nha sĩ đến các vấn đề hoặc lĩnh vực đặc biệt đòi hỏi các thủ thuật điều trị khác.

Tất cả các thể của viêm quanh răng trừ thể tiến triển mạnh nhất đều cần có phase điều trị khởi đầu – điều trị không phẫu thuật. Phase này thường bao gồm:

  • Giáo dục bệnh nhân về bệnh lý của họ và các yếu tố nguy cơ liên quan.
  • Vệ sinh răng miệng nghiêm ngặt.
  • Khuyên ngừng hút thuốc lá.
  • Kiểm soát các yếu tố nguy cơ toàn thân, ví dụ tiểu đường.
  • Lấy cao răng và làm sạch về mặt chân răng trên lợi và dưới lợi. Mục tiêu của lấy cao răng và làm sạch bề mặt chân răng là loại bỏ hoàn toàn các vi khuẩn, biofilm, nội độc tố và cao răng để đạt được một bề mặt chân răng chấp nhận được về sinh học.
  • Các yếu tố thuận lợi tại chỗ của viêm quanh răng mạn tính nên được loại bỏ hoặc kiểm soát. Nên cân nhắc tiến hành:
    • loại bỏ các rìa phục hồi nhô
    • thay đổi hình dạng hoặc thay thế các chụp thừa (over-contoured)
    • thay thế các phục hồi tháo lắp thiết kế tồi và không khít
    • phục hồi các tổn thương sâu răng
    • điều trị chỉnh nha
    • điều trị sang chấn khớp cắn.

Xác định các răng có tiên lượng tồi, đòi hỏi phải nhổ.  Việc nhổ các răng tiên lượng kém nên được tiến hành dứt khoát để hỗ trợ kế hoạch điều trị tổng thể.

Viêm quanh răng tiến triển nhanh

Bệnh nhân bị viêm quanh răng tiến triển nhanh thường cần phải chuyển đến chuyên gia để điều trị không phẫu thuật với các kháng sinh bổ sung. Điều trị kháng sinh bổ sung được chứng minh là có giá trị trong điều trị viêm quanh răng tiến triển nhanh, vốn thường bao gồm một vài loại mầm bệnh đặc biệt có khả năng thâm nhập biểu mô túi lợi và mô liên kết, và xâm chiếm các vị trí ngoài lợi. Khi bệnh vẫn tồn tại dai dằng sau điều trị không phẫu thuật, can thiệp phẫu thuật có thể được cân nhắc.

Các kết quả sau khi lấy cao răng và làm sạch bề mặt chân răng bao gồm:

  • giảm viêm trên lâm sàng
  • chuyển về một quần xã vi sinh vật dưới lợi ít bệnh lý hơn
  • giảm chiều sâu thăm khám
  • tăng bám dính lâm sàng
  • làm chậm tiến triển của bệnh
  • tụt lợi
  • đường viền lợi săn chắc và giảm chiều sâu túi lợi.

Điều trị phẫu thuật

Nếu kết quả của điều trị khởi đầu không kiểm soát được viêm quanh răng, có thể cân nhắc phẫu thuật. Một số yếu tố có thể hạn chế hiệu quả của việc làm sạch bề mặt chân răng không phẫu thuật:

  • giải phẫu chân răng phức tạp
  • chẽ răng
  • các túi lợi sâu hơn
  • các yếu tố đặc biệt ở từng bệnh nhân (xem Chương 1).

Tiếp cận bằng phẫu thuật thường cần thiết để làm tăng hiệu quả của việc làm sạch chân răng về mặt cơ học. Phương pháp này mang lại sự tiếp cận trực tiếp tới bề mặt chân răng. Làm sạch bề mặt chân răng bằng phẫu thuật bao gồm nhiều thủ thuật nhằm cải thiện khả năng tiếp cận để thao tác và loại bỏ túi lợi bằng phẫu thuật, cho phép bệnh nhân làm sạch được tới chiều sâu của rãnh lợi.

Mục tiêu của làm sạch bề mặt chân răng bằng phẫu thuật

  • Cải thiện khả năng quan sát bề mặt chân răng.
  • Khả năng tiếp cận để thăm dò bề mặt chân răng và thao tác.
  • Loại bỏ mảng bám, cao răng và các cấu trúc lưu giữ mảng bám khác.
  • Loại bỏ các túi nha chu > 4 mm.
  • Tạo ra một hình dạng răng-lợi nhằm tăng hiệu quả của các thủ thuật vệ sinh răng miệng.
  • Cho phép đặt các vật liệu tái sinh (xem bài Các kỹ thuật nha chu tái sinh).

Một hạn chế của làm sạch chân răng bằng phẫu thuật đó là khả năng tụt lợi. Nó có thể dẫn đến nhạy cảm ngà và làm cho bề mặt chân răng dễ bị sâu, và còn có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ xung quanh các răng trước. Nguy cơ tụt lợi nên được phân tích kỹ lưỡng cùng với bệnh nhân trước bất kỳ điều trị nào, điều này nằm trong sự đồng ý dựa trên hiểu biết. Các chỉ định và chống chỉ định của làm sạch bề mặt chân răng bằng phẫu thuật được liệt kê ở Bảng 4-1.

Bảng 4-1 Chỉ định và chống chỉ định của RSD bằng phẫu thuật
Chỉ định Chống chỉ định
Túi lợi ≥ 5 mm với các dấu hiệu lâm sàng của viêm, không loại bỏ được bằng phương pháp không phẫu thuật Bất kỳ bệnh lý nội khoa nào chống chỉ định phẫu thuật
Để hỗ trợ việc đặt các vật liệu tái sinh Kiểm soát mảng bám/động lực vệ sinh răng miệng kém
Khó tiếp cận tới bề mặt chân răng Hút thuốc lá
Phẫu thuật thất bại nhiều lần trước đó

Hai phương pháp thiết kế vạt phổ biến cho phép tiếp cận để RSD sẽ được trình bày dưới đây và ưu điểm của mỗi kỹ thuật được liệt kê trong Bảng 4-2.

Bảng 4-2 Ưu điểm của vạt đơn giản và vạt Widman sửa đổi
Ưu điểm của vạt đơn giản Ưu điểm của vạt Widman sửa đổi (trang 57)
Khả năng tiếp cận và quan sát tốt các bề mặt chân răng và xương ổ răng Áp mô mềm vào bề mặt chân răng khít hơn
Ít đòi hỏi về kỹ thuật Có thể làm giảm chiều sâu túi lợi bằng phẫu thuật, nếu cần thiết
Tụt lợi sau phẫu thuật ít hơn
Vạt có thể được di chuyển về phía thân răng hoặc phía chóp

Vạt đơn giản (vạt bao)

Sau khi gây tê tại chỗ, thực hiện một đường rạch trong rãnh lợi (Hình 4-3). Đôi khi, một hoặc hai đường rạch giảm căng có thể cần thiết để cho phép tiếp cận và quan sát tốt hơn mà không tác dụng lực quá căng lên vạt. Một vạt niêm mạc màng xương đủ chiều dày được lật ra (Hình 4-4). Cần tuân thủ các nguyên lý thiết kế vạt cơ bản:

  • Vạt phải có kích thước đủ để bộc lộ giải phẫu liên quan phía dưới.
  • Nền vạt phải đủ rộng để duy trì đủ cung cấp máu.
  • Đường rạch phải đủ dài để cho phép di chuyển vạt mà không quá căng.
  • Phải thận trọng để tránh các mạch máu và thần kinh quan trọng.

QE21_Bateman_fig053a.jpg

Hình 4-3 Đường rạch trong rãnh lợi.

QE21_Bateman_fig053b.jpg

Hình 4-4 Vạt niêm mạc màng xương đủ chiều dày được lật ra.

Để phương pháp phẫu thuật có thể đạt được mục đích RSD, cần phải quan sát được rõ ràng toàn bộ bề mặt chân răng. Việc này đỏi hỏi phải loại bỏ mô hạt một cách kỹ lưỡng và sử dụng đầu lấy cao răng siêu âm hoặc sóng âm.

Loại bỏ mô hạt

Trong khi các nghiên cứu đã cho thấy rằng loại bỏ hoàn toàn mô hạt là không cần thiết để có kết quả phẫu thuật thành công, thì quá trình loại bỏ mô hạt kỹ lưỡng sẽ thực sự cải thiện khả năng quan sát. Mô hạt chảy máu nhiều và làm giảm khả năng quan sát bề mặt chân răng. Loại bỏ mô hạt có thể tốn thời gian và đòi hỏi kỹ thuật phức tạp vì nó thường bám rất chắc vào chân răng, xương và mô mềm; nên sử dụng cây nạo riêng biệt cho từng vùng.

Làm sạch bề mặt chân răng

Mục tiêu của làm sạch bề mặt chân răng đó là cho phép tiếp cận bề mặt chân răng để phá vỡ về mặt cơ học mảng bám mềm dưới lợi và loại bỏ cao răng vôi hóa cũng như cement nhiễm nội độc tố. Khả năng tiếp cận và quan sát bề mặt chân răng tốt là cần thiết và có thể được cải thiện bằng cách sử dụng kính lúp hoặc kính hiển vi phóng đại.

Có rất nhiều dụng cụ để thực hiện RSD. Chúng được phân loại tổng quát thành dụng cụ máy (siêu âm hoặc sóng âm) và dụng cụ cầm tay. Một số nghiên cứu đã chứng minh không có sự khác biệt về kết quả khi sử dụng dụng cụ máy hay cầm tay, hay giữa dụng cụ siêu âm và sóng âm (Baderston et al., 1981, 1984; Torafson et al., 1979). Dụng cụ siêu âm (Hình 4-5) là dụng cụ chạy điện theo thiết kế từ giảo (magnetostrictive) hoặc áp điện (piezoelectric) và được vận hành ở tần số cao trên 25 kHz. Sự rung của chúng tạo ra sự hỗn loạn trong đám vi sinh vật bằng cách “tạo bọt” và “dòng âm thanh”. Tạo bọt là tạo ra các bóng khí bên trong dung dịch bơm rửa, chúng mang năng lượng tiềm tàng lớn. Khi bong bóng vỡ hoặc va đạp vào bề mặt chân răng, chúng giải phóng năng lượng đó, và việc này đã được thấy là sẽ phá hủy nội độc tố và vi khuẩn bên trong biofilm. Dòng âm thanh là tạo ra các dòng nước áp lực cao bên trong dung dịch bơm rửa, chúng sẽ tạo ra lực cắt ở bề mặt của dòng nước, lần lượt phá hủy biofilm và thành phần của chúng. Trong khi sử dụng đầu siêu âm, giữ thân dụng cụ tiếp xúc với chân răng nhiều nhất có thể để tránh xoi mòn hoặc cắt bề mặt chân răng. Phần lớn đầu siêu âm có dạng thẳng ở đầu mút, làm cho việc thao tác trên nhiều hình dạng chân răng trở nên khó khăn. Vì lý do này, và vì cảm giác xúc giác là thấm khi dùng dụng cụ máy, nên sử dụng bổ sung dụng cụ cầm tay để làm sạch tốt hơn. Thú vị là, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng đầu siêu âm với một nửa công suất có hiệu quả ngang với công suất tối đa và ít nguy cơ gây phá hủy bề mặt chân răng hơn (Chappie et al., 1995) và kết quả lâm sàng là khác nhau khi sử dụng nước hoặc chlorhexidine làm dung dịch bơm rửa cùng với đầu siêu âm (Chappie et al., 1992).

QE21_Bateman_fig055a.jpg

Hình 4-5 (a) Đầu siêu âm từ giảo (Cavitron) sản xuất bởi Dentsply; (b) đầu hình đuôi hải ly dùng để loại bỏ các cục cao răng lớn; (c) đầu chung dùng để loại bỏ cao răng rên và dưới lợi kích thước trung bình; (d) đầu chính xác (mỏng) dùng để mang lại sự tiếp cận tốt nhất tới các túi nha chu sâu và vùng chẽ.

Các dụng cụ sóng âm vận hành <18 kHz (thường là 3–8 kHz) và kiểu dao động của chúng khác với đầu siêu âm. Sự khác biệt giữa hai nhóm dụng cụ lớn được tổng kết trong Bảng 4-3.

Bảng 4-3 Sự khác nhau giữa đầu lấy cao răng siêu âm và sóng âm
Đầu siêu âm Đầu sóng âm
Vận hành ở 18–50 kHz Vận hành ở tần số sóng âm (<18 kHz, thường là 3–8 kHz)
Làm sạch bằng cơ học Làm sạch bằng cơ học
Tạo bọt Kiểu dao động khác với siêu âm
Dòng âm thanh Hãm bằng cách tiếp xúc với răng
Từ giảo (cavitron) Chạy bằng khí
Áp điện Chạy bằng khí
Thận trọng với các máy tạo nhịp truyền thống Có thể sử dụng với với các máy tạo nhịp truyền thống

Làm sạch bề mặt chân răng bằng dụng cụ cầm tay thường sử dụng các cây nạo riêng cho từng vùng như nạo Gracey curettes (Hình 4-6). Chúng được thiết kế sao cho mỗi lưỡi nạo phù hợp với một bề mặt răng hoặc vùng riêng biệt, và chỉ một cạnh cắt trên mỗi lưỡi dao được sử dụng. Nạo chẽ (Hình 4-7) là các cây nạo nhỏ được thiết kế để vừa khít với sàn hoặc trần của chẽ răng; các trâm đầu kim cương dùng cho vùng chẽ cũng rất hữu ích (Hình 4-8). Lực làm sạch nên đều và nhẹ và tác động lên tất cả các vùng của bề mặt chân răng. Cần tăng áp lực bên khi loại bỏ các chất lắng động bám chắc. Các dụng cụ cần được giữ luôn sắc bén để duy trì hiệu quả.

QE21_Bateman_fig056a.jpg

Hình 4-6 Nạo Gracey có một đầu làm việc gập góc.

QE21_Bateman_fig056b.jpg

Hình 4-7 Nạo chẽ.

QE21_Bateman_fig057a.jpg

Hình 4-8 Trâm đầu kim cương dùng cho vùng chẽ (LM-Dental Finland).

“Nạo” lợi là một thủ thuật phẫu thuật làm loại bỏ lớp lót mô mềm của túi quanh răng bằng một cây nạo, chỉ để lại một lớp lót là mô liên kết của lợi. Thủ thuật này hiện nay được xem là thừa do không có bằng chứng nào chứng tỏ rằng nạo lợi có bất kỳ lợi ích nào trong điều trị viêm quanh răng mạn tính. Trường hợp duy nhất có thể chỉ định nạo lợi đó là khi dẫn lưu một áp xe quanh răng bên, nơi mà nguồn nhiễm trùng là ở thành túi lợi.

Sau khi làm sạch, các thành và rìa xương cần được đánh giá để xem xét việc tạo hình xương có cần thiết hay không, nhằm tạo ra một hình thái phù hợp. Việc này có thể được tiến hành bằng cách sử dụng một mũi khoan xương, nhưng hiện nay kỹ thuật này được xem là thừa, do có các bằng chứng răng sự tái sinh xương có thể diễn ra ở đáy của túi lợi trong xương(Rosling et al., 1976), ngay cả khi không thực hiện phẫu thuật tái sinh mô và thừa nhận rằng, bảo tồn xương là vô cùng quan trọng để duy trì càng nhiều nâng đỡ xương sau phẫu thuật càng tốt. Với các phương pháp hỗ trợ làm sạch kẽ giữa các răng hiện đại, bệnh nhân có động lực có thể tiếp cận phần lớn các vị trí nếu được hướng dẫn đúng. Rìa vạt sau đó được đặt về vị trí ban đầu và được giữ bằng các mũi khâu, và nên thân trọng để đạt được sự kín khít giữa các mép vết thương ở kẽ răng khi có thể (Hình 4-9). Nếu thực hiện các đường rạch dọc giảm căng, có thể di chuyển vạt về phía chóp hoặc thân răng khi cần thiết. Vạt thường được đóng bằng các mũi khâu rời đơn giản.

QE21_Bateman_fig058a.jpg

Hình 4-9 Khép các mép vết thương bằng các mũi khâu.

Vạt Widman sửa đổi

Vạt Widman sửa đổi (Ramfjord and Nissle, 1974) được mô tả đầu tiên bởi Leonard Widman vào năm 1918 và được thiết kế để hỗ trợ loại bỏ biểu mô lót túi lợi. Nó không còn được sử dụng cho mục đích này, tuy nhiên nó hỗ trợ trực tiếp trong làm giảm chiều sâu túi lợi bằng cách cắt bỏ một vành mô đường viền lợi. Thực hiện một đường rạch vát đảo ngược dọc theo trục dài của răng xuống mào xương ổ răng khoảng 1 mm từ đường viền lợi (Hình 4-10). Nếu túi lợi ít hơn 5 mm hoặc thẩm mỹ là quan trọng, đường rạch có thể trở thành trong rãnh lợi ở các vị trí khu trú. Lật vạt niêm mạc màng xương bên trong lợi dính để cho phép quan sát bề mặt chân răng. Do đó nâng vạt bị hạn chế. Thực hiện một đường rạch trong rãnh lợi tới chiều sâu của túi lợi; việc này giúp giải phóng vành mô (Hình 4-11). Một đường rạch ngang thứ ba có thể cần thiết để tách vành mô mềm ra khỏi xương (Hình 4-12), mặc dù phần lớn phẫu thuật viên nha chu sẽ dùng một nạo sắc cho mục đích này. Sau khi làm sạch, vạt được đặt lại với các mũi khâu rời đơn giản và đảm bảo che phủ hoàn toàn xương mặt tiếp giáp. Kỹ thuật này làm giảm chiều sâu túi lợi trước phẫu thuật.

QE21_Bateman_fig058b.jpg

Hình 4-10 Đường rạch vát đảo ngược. (Courtesy of Sato, Periodontal Surgery: A Clinical Atlas, 2000)

QE21_Bateman_fig058c.jpg

Hình 4-11 Đường rạch trong rãnh lợi để giải phóng vành mô. (Courtesy of Sato, Periodontal Surgery: A Clinical Atlas, 2000)

QE21_Bateman_fig059a.jpg

Hình 4-12 Đường rạch ngang để tách vành mô mềm ra khỏi xương. (Courtesy of Sato, Periodontal Surgery: A Clinical Atlas, 2000)

Đường rạch hình nêm phía xa được dùng để điều trị phẫu thuật các túi quanh răng xung quanh các răng đứng một mình, thường ở mặt xa của chúng. Kỹ thuật này đã được trình bày ở Chương 3.

Khâu

Minh họa cách thực hiện khâu mũi rời đơn giản được trình bày ở Hình 4-13 và kỹ thuật được mô tả như sau:

  1. Kim xuyên qua vạt phía má khoảng 3 mm từ đường viền lợi.
  2. Sau đó kim xuyên qua vạt phía vòm miệng/lưỡi, cũng khoảng 3 mm từ đường viền lợi.
  3. Kim được luồn qua kẽ răng mà không xuyên qua mô và quay trở lại mặt má.
  4. Đầu dài của chỉ được cuộn hai vòng xung quanh kìm kẹp kim và sau đó dùng đầu kìm bắt lấy đầu ngắn của chỉ khâu và rút qua thòng lọng.
  5. Để tạo nút chỉ thứ 2, đầu dài của chỉ khâu được cuộn một vòng xung quanh kìm kẹp kim ở hướng ngược lại, đầu ngắn sau đó được kéo qua thòng lọng. Một số vật liệu chỉ rất trown và do đó đòi hỏi thêm một hoặc hai nút khóa chỉ để không bị bục chỉ.
  6. Các đầu chỉ thừa được cắt khoảng 3 mm từ nút chỉ.

QE21_Bateman_fig060a.jpg

Hình 4-13 Trình tự khâu mũi rời đơn giản.

Sử dụng băng nha chu áp lực

Các băng nha chu như Coe-Pak có thể được dùng để lấp các khoảng trống và cho phép khép kín vạt ở vị trí ngay sau phẫu thuật (xem Chương 2 và 3); chúng phòng đáp ứng lành thương tăng sinh vốn có thể bít kín kẽ răng và do đó ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận để vệ sinh tại nhà.

Hướng dẫn sau phẫu thuật

Hướng dẫn bệnh nhân một cách chi tiết sau điều trị là rất quan trọng, bao gồm cả lời nói và mẫu giấy.

Hướng dẫn nên bao gồm

  • Không chải vào vùng phẫu thuật trong bảy ngày.

  • Sử dụng nước súc miệng chlorhexidine 0,2% để hỗ trợ kiểm soát mảng bám trong giai đoạn không chải răng.

  • Hướng dẫn cách kiểm soát chảy máu sau phẫu thuậtInstructions on how to manage a post-operative bleed.

  • Kiểm soát đau (thuốc giảm đau).

Theo dõi

Bệnh nhân nên được khám lại một tuần sau phẫu thuật để đánh giá lành thương, cắt chỉ và loại bỏ băng phẫu thuật. Ở buổi hẹn này, cần thiết phải thực hiện lấy cao răng và làm nhẵn thân chân răng kỹ lưỡng và hướng dẫn bệnh nhân về chải răng nhẹ nhàng, tăng dần lực tới bình thường sau năm tới bảy ngày tiếp theo. Dung dịch súc miệng chlorhexidine nên ngừng sử dụng ở thời điểm này. Không nên thăm dò túi lợi trong ít nhất tám tuần sau phẫu thuật do thăm dò sớm có thể ảnh hưởng đến các giai đoạn sớm của lành thương .

Duy trì nha chu lành mạnh

Một lịch trình tái khám dài hạn là cần thiết để đánh giá thành công của điều trị. Bệnh nhân nên được xem xét ở mỗi buổi hẹn định kỳ để giám sát việc kiểm soát mảng bám và cho phép phát hiện sớm sự tái phát của bệnh. Ghi lại chi tiết chiều sâu túi lợi xung quanh tất cả cấc bề mặt răng là quan trọng để phát hiện chảy máu từ đáy túi lợi, và, nếu cần thiết, mức độ bám dính nên được đánh giá khi có tụt lợi. Bằng phương pháp này, sự tái phát có thể được xác định sớm ở từng vị trí và biện pháp sửa chữa đơn giản sẽ được thực hiện theo cách không phẫu thuật.

Các điểm mấu chốt

  • Mục tiêu của RSD bằng phẫu thuật là làm giảm chiều sâu thăm khám của túi lợi và khôi phục hình dạng lợi tới một trạng thái mà có thể được duy trì dễ dàng bởi bệnh nhân.
  • RSD bằng phẫu thuật chỉ nên tiến hành khi điều trị không phẫu thuật thất bại trong việc mang lại lành thương ở các bệnh nhân có trình độ vệ sinh tại nhà cao.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *