Sai lầm khi lấy dấu hai thì – học được gì từ thất bại của tôi

 Đây là tình huống lâm sàng tôi gặp phải vào tuần trước. Khách hàng muốn làm 1 phục hình sứ titan cho răng 47 đã hoàn thành điều trị tủy và đã được bác sĩ khác mài thô (?) mà không thông báo trước. Cùi răng đã được mài theo bờ xuôi, đường hoàn tất không rõ nét, chiều cao cùi răng cần phải hạ thêm 1mm nữa để đủ chiều cao phục hình sứ kim loại. Tôi lấy dấu thì 1 trên cùi có sẵn, sau đó mài hoàn thiện đường hoàn tất, mài thấp cùi răng và lấy dấu thì hai. Mặc dù đặt đường hoàn tất ngang lợi, tôi vẫn sử dụng kĩ thuật đặt 2 chỉ để lấy dấu nét hơn.

lay dau hai thi 1

 Hình 1: Với dấu như thế này, tôi cảm thấy tự tin sẽ không mất quá nhiều thời gian cho buổi gắn. Chú ý đường hoàn tất được bộc lộ rõ, phần silicon chui xuống rãnh lợi sau khi rút chỉ ra đảm bảo sẽ không gây khó khăn cho các kĩ thuật viên khi xác định đường hoàn tất.

 Thế nhưng, đời không như mơ!

 Và dưới đây chính xác là những gì tôi thấy trong buổi gắn răng. Tôi lấy dấu alginate cùi ngay lúc đó và đổ mẫu ra ngoài để các bạn có thể thấy rõ hơn điều gì đã xảy ra khi tôi thử chụp. Tôi cũng đổ thêm 1 mẫu từ chính dấu silicon đã lấy để tiện so sánh.

lay dau hai thi 2

Hình 2:  Chụp rất khít sát với mẫu đổ ra từ dấu silicon. Các kĩ thuật viên đã làm rất tốt công việc của họ.

lay dau hai thi 3Hình 3: Đây là mẫu đổ ra từ dấu alginate mới lấy. Chụp hở 1 đoạn lớn ở mặt ngoài, trong khi mặt bên và mặt trong khít sát tốt. Trên miệng cũng xảy ra tình huống tương tự.

Uhm, vậy chắc chắn là tôi đã lấy dấu sai rồi. Nhưng tôi đã sai ở đâu nhỉ?

Tôi đã mang dấu ra thảo luận với các bạn đồng nghiệp của mình để cùng tìm ra lỗi. Và ở đây, chúng tôi thấy một “rổ” lỗi. Hãy nhìn lại dấu silicon và đưa ra nhận xét.

lay dau hai thi 4

Hình 4: Dấu nhìn từ mặt nhai

  • Ở thì lấy dấu thứ hai, tôi đã đưa thìa lọt đúng ổ các răng trước đó, không bị xê dịch, nên silicon lỏng cũng lọt đúng ổ.
  • Phần silicon lỏng trên mặt nhai (múi rãnh) các răng lân cận là một lớp mỏng, chứng tỏ lực ấn thì hai có thể là đủ hoặc quá mạnh.

lay dau hai thi 5

Hình 5: Dấu nhìn từ bên ngoài. Phần đuôi thìa không có các đuôi silicon đặc chôn vào  các lỗ thìa do tôi đặt ngón tay tại vị trí đó.

  • Cắt các điểm cản trở như phần silicon đặc ở vùng ngách hành lang, vùng lưỡi hay đuôi thìa là một bước quan trọng giảm lực cản không đáng có gây ra bởi các yếu tố không phải do răng trong lấy dấu thì hai. Nhưng cắt quá nhiệt tình như trong trường hợp này lại không phải là ý hay. Phần cùi răng nằm gần phía đuôi thìa, các bạn có thể thấy trên hình phần silicon lỏng tràn vào khá nhiều phía xa của cùi răng Khi tôi cắt đi phần silicon đặc ở vị trí này, tôi đã vô tình gây ra hai sai số. Thứ nhất, nó làm giảm lưu giữ tạo ra do phần đuôi thìa dư chôn vào trong các lỗ của thìa. Thứ hai, quá trình cắt tôi đã vô tình làm bong thìa vị trí này theo chiều ngoài-trong.
  • Chú ý phần mặt nhai của cùi, silicon lỏng gần như hoàn toàn không hiện diện mặc dù tôi có hạ mặt nhai sau khi lấy dấu thì một. Tức là có thể tôi đã chú tâm ấn quá mạnh, ấn lệch và giữ lực ấn đó quá lâu cho tới khi silicon lỏng đông cứng tại vị trí cùi răng. Khi ấn quá mạnh, phần silicon đặc có thể bị lún/nén xuống không đều (trong nhiều hơn ngoài), silicon lỏng vẫn đi đúng vào đường hoàn tất, và hậu quả là tôi có một cái cùi ngắn hơn ở mặt ngoài nhưng lại đủ ở mặt trong. Theo tôi, đây là nguyên nhân chính dẫn tới sai lầm không gắn khít chụp răng này.

 Vậy, bây giờ tôi cần làm gì?

 Chắc chắn, tôi cần lấy dấu lại rồi. Để tạo khuôn thì một, tôi đặt 1 mẩu giấy bạc mỏng cuốn quanh cùi đã có và lấy dấu với silicon đặc. Sau đó lấy dấu thì hai với silicon lỏng, đặt phần ngón tay ấn dịch về phía vùng răng hàm nhỏ. Kết quả dấu đã tốt hơn so với dấu trước đó.

lay dau hai thi 6

Hình 6: Dấu từ phía mặt nhai, silicon lỏng đã dàn đều tương đối ở cả hố rãnh, mặt nhai của các răng lân cận và cùi răng. Chứng tỏ tôi không bị lỗi ấn quá mạnh.

lay dau hai thi 7

Hình 7:  Dấu nhìn từ bên ngoài. Phần silicon đặc được chôn tốt trong các lỗ ở thìa tại đúng vị trí cùi răng.

Cuối cùng thì tôi cũng gắn được chụp không gặp cản trở gì.

Bàn luận

Lấy dấu là một kĩ năng cơ bản mà mỗi bác sĩ làm phục hình đều phải nắm vững. Trong đó kĩ thuật lấy dấu hai thì mang lại kết quả chính xác nhất nhưng lại là kĩ năng thử thách nhất trong các kiểu kĩ thuật lấy dấu bằng silicon. Hy vọng bài viết nhỏ này sẽ giúp các bạn đồng nghiệp phần nào nắm được một số lỗi có thể gây nên sai số trong quá trình lấy dấu silicon hai thì để tránh gặp phải.

2 comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *