1. Định nghĩa:
Khoảng sinh học (biologic width) là phần mô mềm bám dính vào chân răng trên xương ổ răng, bao gồm: biểu mô bám dính + mô liên kết trên xương ổ răng.
Khoảng sinh học đóng vai trò là 1 hàng rào ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn vào các thành phần nha chu quan trọng bên dưới như xương ổ răng, dây chằng nha chu, xê măng. Trên răng lành mạnh thường không phát hiện vi khuẩn trong phạm vi 2.5 mm tính từ bờ xương ổ răng.
Theo nghiên cứu của Gargiulo và cộng sự năm 1961, kích thước trung bình của phần biểu mô bám dính là 0,97 mm, của phần mô liên kết trên xương ổ răng là 1,07 mm. Theo Vacek và cs (1994) 2 kích thước lần luợt là 1.14 mm và 0,77 mm (Hình 1).
Mặc dù kích thước của phần biểu mô bám dính có thể thay đổi từ 1-9 mm, kích thước vùng mô liên kết trên xương ổ răng tương đối hằng định, tùy theo vị trí xung quanh răng của từng răng.
Ở răng lành mạnh, đa số các tác giả thống nhất khoảng sinh học có kích thước trung bình là 2 mm, bao gồm 1mm biểu mô bám dính và 1mm vùng mô liên kết trên xương ổ răng (Hình 2).
Hình 1 Hình 2
Khi có 1 yếu tố tác động (sâu răng, răng nứt gãy, bờ phục hồi) đưa vi khuẩn đến gần xương ổ răng ở khoảng cách < 2mm, khoảng sinh học bị xâm phạm. Tiếp theo sẽ có 1 phản ứng nhằm di chuyển các cấu trúc nha chu quan trọng (xương ổ răng, dây chằng) về phía chóp răng để tái thiết lập hàng rào bảo vệ. Biểu hiện đầu tiên của phản ứng này là hiện tượng viêm nướu, tiếp theo là tụt nướu hoặc tạo túi nha chu, tùy theo dạng sinh học của mô nha chu.
Do đó, trên lâm sàng, các biểu hiện thường gặp của hiện tượng xâm phạm khoảng sinh học trên lâm sàng là tụt nướu, túi nha chu hoặc viêm nướu dai dẳng mặc dù tình trạng vệ sinh răng miệng khá tốt (Hình 3-6)
Hình 3: Mô hình hậu quả của bờ phục hồi xâm phạm khoảng sinh học
Hình 4
Hình 5 và 6
2. Ứng dụng lâm sàng:
Trên lâm sàng, việc xác định khoảng sinh học, tránh xâm phạm khoảng sinh học hoặc thay đổi vị trí của khoảng sinh học 1 cách chủ động đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của Nha khoa phục hồi.
a. Xác định khoảng sinh học:
Mặc dù khoảng sinh học có kích thước trung bình là 2mm, y văn ghi nhận kích thước này có thể thay đổi từ 0.75 – 4.3 mm. Do đó việc xác định kích thước khoảng sinh học ở từng vị trí của răng là cần thiết.
Phương pháp xác định khoảng sinh học chính xác nhất là thăm dò tới đỉnh xương ổ răng (sounding to bone). Sau khi gây tê, dùng cây đo túi đo túi nha chu (được khoảng cách là a), tiếp tục đưa cây đo túi xuyên qua vùng biểu mô bám dính và mô liên kết trên xương ổ răng cho tới khi chạm vào đỉnh xương ổ răng (được khoảng cách là b). Kích thước khoảng sinh học: c = b – a (Hình 7).
Hình 7
b. Xác định vị trí đường hoàn tất tránh vi phạm khoảng sinh học:
Trong nhiều trường hợp phục hình hay bờ phục hồi được chỉ định đặt dưới nướu do:
· Cần tăng khả năng lưu giữ do thân răng ngắn
· Sâu răng hay phục hồi trước có bờ dưới nướu
· Cần phài thay đồi chiều hướng răng
· Lý do thẩm mỹ
Về phương diện nha chu, đường hoàn tất dưới nướu có nguy cơ sinh học cao do khó hoàn tất và khả năng xâm phạm khoảng sinh học.
Frank M. Spear và Joseph P. Cooney đã đưa ra Guideline vị trí đường hoàn tất dưới nướu với mục đích tránh khả năng xâm phạm khoảng sinh học.
Guideline này được thực hiện với nướu lành mạnh, độ sâu của khe nướu được dùng làm giá trị hướng dẫn vị trí đường hoàn tất dưới nướu với lưu ý cây đo túi thường lấn vào vùng biểu mô bám dính 0.5 mm trong các trường hợp nướu lành mạnh.
Guideline vị trí đường hoàn tất dưới nướu:
1. Khe nướu < 1.5 mm: đường hoàn tất đặt dưới đường viền nướu 0.5mm
2. Khe nướu 1.5-2mm: đường hoàn tất đặt ở vị trí cách đường viền nướu ½ độ sâu của khe nướu.
3. Khe nướu > 2mm, đặc biệt ở mặt ngoài: cắt nướu để khe nướu còn 1,5 mm và thực hiện đường hoàn tất như loại 1.
Các bước thực hiện:
· Mài cùi đến vị trí đường viền nướu
· Loại 1: đặt chỉ co nướu (loại nhỏ) sao cho phần trên của sợi chỉ nằm ở vị trí xác định đường hoàn tất-0.5 mm cách đường viền nướu. Ở mặt bên, phần trên của sợi chỉ cách viền nướu 1-1.5 mm do khe nướu mặt bên thường sâu 2.5 – 3mm.
· Mài cùi đến phần trên của sợi chỉ, hoàn tất.
· Đặt sợi chỉ co nướu thứ 2 vào giữa mô răng và nướu, đẩy sợi chỉ thứ 1 về phía chóp.
· Sau thời gian co tách nướu, rút sợi chỉ thứ 2, lấy dấu. Sợi chỉ thứ 1 vẫn để yên cho đến khi gắn phục hình tạm (Hình 8).
&nbsnbsp;
Hình 8
· Loại 2: dùng 2 sợi chỉ có kích thước lớn hơn, phần trên của sợi chỉ thứ 2 nằm ở vị trí đường hoàn tất sau cùng.
· Mài cùi đến phần trên của sợi chỉ thứ 2, hoàn tất
· Đặt sợi chỉ thứ 3, đẩy 2 sợi chỉ trước về phía chóp.
· Sau thời gian co tách nướu, rút sợi chỉ thứ 3, lấy dấu sau cùng.
Hình 9
a. Thay đổi vị trí khoảng sinh học:
Trong 1 số trường hợp như thân răng quá ngắn; cần thay đổi hướng răng sau phục hình; gãy thân răng có đường gãy nằm trong khoảng sinh học hoặc trong xương; sâu răng, phục hồi dưới nướu quá gần xương ổ răng hay các trường hợp kém thẩm mỹ do cười lộ nướu, đường viền nướu không hài hòa, chúng ta phải di chuyển khoảng sinh học về phía chóp răng. Nói cách khác là phải thực hiện điều trị làm dài thân răng.
Điều trị làm dài thân răng xin được đề cập ở các bài viết sau.
4. Kết luận:
Tình trạng lành mạnh của mô nha chu quyết định sự thành công lâu dài của phục hình cả về phương diện chức năng và thẩm mỹ. Trong quá trình điều trị, ở nhiều trường hợp việc đặt đường hoàn tất dưới nướu là điều không tránh khỏi. Hiểu rõ quan niệm về khoảng sinh học sẽ giúp ích cho việc xác định đúng vị trí đường hoàn tất. Trong trường hợp cần đặt đường hoàn tất ở vị trí quá gần xương ổ răng, phải tiến hành điều trị làm dài thân răng trước nhằm đảm bảo đường hoàn tất cách xương ổ răng > 2 mm, không xâm phạm khoảng sinh học.
Vài hình ảnh minh họa cho Guideline.
1. Rảnh nướu 2.5mm (trừ 0.5mm do lực và cây đo túi cùi bắp)
2. Mài tới bờ nướu
3. Nhét 2 sợi chỉ Gingi-pak Z-Twist OO (with epinephrine HCl), nước co xuống (Không đều, nên nhiều bên ít)
4. Mài xuống 0.5 – 0.7 mm
5. Lấy ra 1 sợi chỉ, chừa lại 1, chuẩn bị lấy dấu.
6. Lấy dấu
Nguồn: Nhasisaigon.com