Khi sử dụng các phục hình kim loại đúc, sứ và sứ kim loại, lượng lớn cấu trúc thân răng bị mất có thể được thay thế trong khi phần còn lại được bảo tồn và bảo vệ. Chức năng có thể được phục hình, và khi cần, có thể đạt được hiệu quả thẩm mỹ. Việc sử dụng thành công các loại phục hình này phụ thuộc vào kế hoạch điều trị đúng, thể hiện qua lựa chọn vật liệu và thiết kế phục hình phù hợp với nhu cầu của bệnh nhân. Ở thời đại mà sức ép về sản lượng và chất lượng là nặng nề, cần phải nhấn mạnh lại rằng nhu cầu của bệnh nhân phải được đặt lên trên lợi ích của nha sĩ.
Trường hợp nào nên sử dụng phục hình gắn làm từ kim loại đúc hoặc sứ thay vì phục hình bằng amalgam hay composite? Việc lựa chọn vật liệu và thiết kế phục hình phụ thuộc vào một số yếu tố.
Yếu tố đầu tiên đó là lượng cấu trúc răng bị phá huỷ. Nếu lượng cấu trúc răng của răng cần phục hình bị mất nhiều đến mức mà cấu trúc răng còn lại phải nhận được sức chống đỡ và sự bảo vệ từ phục hình, kim loại đúc hoặc sứ sẽ được chỉ định thay vì amalgam hay composite.
Thẩm mỹ cũng là một yếu tố quan trọng. Nếu răng cần phục hình bằng một phục hình gắn nằm ở vùng dễ nhận biết, hoặc bệnh nhân rất kỹ tính, hiệu quả thẩm mỹ của phục hình phải được xem xét. Đôi khi một phục hình bán phần sẽ thực hiện chức năng này. Nếu cần làm phục hình toàn phần ở khu vực thẩm mỹ, nên chỉ định sử dụng sứ ở một dạng nào đó. Có thể sử dụng chụp sứ kim loại để làm chụp một đơn vị ở răng trước hoặc răng sau, cũng như làm phần giữ cho phục hình từng phần cố định (cầu răng). Chụp toàn sứ chủ yếu sử dụng ở răng cửa, mặc dù chúng cũng có thể dùng cho răng sau khi mài đủ lượng cấu trúc răng cần thiết và bệnh nhân đồng ý khả năng phải thay thế thường xuyên hơn.
Kiểm soát mảng bám cũng đóng vai trò quan trọng. Việc sử dụng phục hình gắn đòi hỏi phải thiết lập và duy trì một chương trình kiểm soát mảng bám tốt để làm tăng khả năng thành công của phục hình. Một số răng ban đầu có vẻ phù hợp với phục hình kim loại đúc hoặc sứ, khi chỉ đánh giá dựa vào lượng cấu trúc răng bị phá huỷ trước đó. Tuy nhiên, khi các răng này được đánh giá dựa trên quan điểm môi trường miệng, chúng có thể không phù hợp với các loại phục hình gắn. Nếu hiện diện nhiều cao răng mảng bám, huỷ khoáng, và sâu răng trong miệng, việc sử dụng chụp răng ở bất kỳ loại nào cũng phải được cân nhắc thận trọng. Việc thiết kế phục hình cần xem xét các yếu tố giúp bệnh nhân có thể duy trì vệ sinh răng miệng đầy đủ để làm cho điều trị phục hình thành công. Bệnh nhân phải được hướng dẫn tuân thủ một chế độ chải răng, dùng chỉ tơ nha khoa, và thay đổi chế độ ăn để kiểm soát hoặc loại bỏ quá trình bệnh lý gây ra phá huỷ cấu trúc răng. Có thể sử dụng các phục hình tạm bằng amalgam để chữa răng cho đến khi các tình trạng gây phá huỷ cấu trúc răng được kiểm soát. Việc này sẽ mang lại thời gian cần thiết cho bệnh nhân để học và thực hiện tự chăm sóc răng miệng tốt. Nó cũng cho phép nha sĩ và trợ thủ cải thiện kỹ năng cần thiết cho bệnh nhân và đáng giá sự bằng lòng và khả năng hợp tác của bệnh nhân. Nếu các phương pháp này thành công, thì lúc đó có thể thực hiện các phục hình kim loại đúc, sứ hoặc sứ kim loại. Bởi vì các loại phục hình này chỉ được sử dụng để sửa chữa sự phá huỷ cấu trúc răng do sâu răng mà không làm bất kỳ điều gì để chữa khỏi tình trạng gây ra sâu răng, cho nên không được dùng chúng nếu môi trường miệng chưa được đặt dưới sự kiểm soát tốt.
Yếu tố thứ tư đó là khả năng tài chính. Tài chính ảnh hưởng đến tất cả kế hoạch điều trị bởi vì một số người phải chi trả cho điều trị, có thể là một cơ quan nhà nước, một chi nhánh quân đội, một công ty bảo hiểm, và/hoặc bệnh nhân. Nếu bệnh nhân là người trả tiền, nha sĩ nên đưa ra các lời khuyên và sau đó cho phép bệnh nhân lựa chọn. Một nha sĩ có lương tâm phải đi đúng con đường đạo đức. Mặt khác, nha sĩ không nên giành quyền lựa chọn với việc lựa chọn một phục hình không tối ưu chỉ vì nghĩ rằng bệnh nhân không thể chi trả được điều trị tối ưu. Hơn nữa, nha sĩ phải đủ nhạy cảm với từng trường hợp bệnh nhân cụ thể để đưa ra một lựa chọn tốt thay thế cho kế hoạch điều trị tối ưu và không tạo ra áp lực với bệnh nhân.
Yếu tố cuối cùng đó là lưu giữ. Chụp toàn phần tất nhiên là lưu giữ tốt nhất1,2 (Hình 6-1). Tuy nhiên, lưu giữ tối đa đối với phục hình một răng hầu như không quan trọng như là với phần giữ của phục hình từng phần cố định. Nhưng yếu tố này sẽ trở nên quan trọng với các răng ngắn và các răng làm trụ cho hàm giả tháo lắp từng phần.
Hình 6-1 So sánh khả năng kháng lại lực làm bật phục hình của bốn loại chụp (P = .05).1,2 MOD, gần-nhai-xa (mesio-occlusodistal).
Mười hai loại phục hình được trình bày ở phần tiếp theo để cung cấp một hệ quy chiếu nhằm đưa ra quyết định sử dụng phục hình “dẻo” (plastic) hay phục hình gắn. Phục hình dẻo được đưa vào xoang trám dưới dạng khối mềm (dẻo), nó sẽ đông cứng ở đó và được lưu giữ bằng vùng lẹm cơ học hay dán dính. Phục hình gắn, làm từ vật liệu kim loại đúc, sứ-kim loại hay toàn sứ được chế tạo ở ngoài phòng khám và được gắn hay dán vào răng của bệnh nhân ở buổi hẹn sau. Một loại phục hình có thể phù hợp hơn loại khác trong một trường hợp cụ thể, hoặc trong một số trường hợp chúng đều phù hợp.
Phục hình trong thân răng
Khi còn lại đủ cấu trúc thân răng để lưu giữ và bảo vệ phục hình dưới áp lực nhai dự đoán, có thể chỉ định phục hình trong thân răng. Trong trường hợp này, thân răng và bản thân phục hình phụ thuộc vào sức chống đỡ của cấu trúc răng còn lại để mang lại sự toàn vẹn về cấu trúc.
Glass ionomer
Các tổn thương nhỏ mà ranh giới tổn thương có thể được giữ ở mức tối thiểu và lưu giữ của xoang sẽ là tối thiểu có thể được phục hình với glass ionomer. Vật liệu này thích hợp cho phục hình các tổn thương loại V gây ra bởi xoi mòn hoặc mài mòn (Hình 6-3).
Glass ionomer phù hợp với phục hình sâu chân răng ở các bệnh nhân lớn tuổi và có bệnh nha chu (Hình 6-5). Tình trạng bệnh còn được cải thiện nhờ sự giải phóng fluor từ vật liệu.
Composite resin
Vật liệu này có thể dùng cho các tổn thương nhỏ tới trung bình ở vùng thẩm mỹ (Hình 6-6). Mặc dù nó có thể được sử dụng để phục hình góc rìa cắn với xoi mòn (etch) hỗ trợ bằng acid, một răng có phục hình xoang loại IV bằng composite cuối cùng sẽ cần phải thay thế bằng chụp.
Composite đã được sử dụng để phục hình răng sau, việc này mang lại các kết quả hỗn hợp. Sức đề kháng mài mòn cần thiết để phòng mòn mặt nhai là một vấn đề lớn. Ngoài ra, nếu composite không được đặt thận trọng từng ít một, sự co trùng hợp sẽ dẫn đến vi rò và cuối cùng là thất bại. Sử dụng composite cho răng sau chỉ nên giới hạn cho các phục hình mặt nhai và nhai-gần trên răng cối nhỏ thứ nhất.
Một phương pháp sáng tạo để phòng sâu chân răng ở rìa phục hình mở rộng từ men răng xuống cement đó là đặt một hỗn hợp gồm composite không hạt độn và natri fluoride phối hợp với năng lượng laser.3 Phương pháp này làm tăng đáng kể khả năng đề kháng với sự phá hủy do acid và cơ học. Ở một nghiên cứu khác, fluoride tại chỗ phối hợp với năng lượng laser mang lại sức đề kháng với sâu men.4
Một kỹ thuật được đặt ra để khắc phục vấn đề co và vi rò đó là làm inlay composite (Hình 6-8). Việc này đã nhận được nhiều phản đối trên các phương tiện truyền thông, và một bộ phận nha sĩ sử dụng kỹ thuật này như là giải pháp bất đắc dĩ để thay thế các phục hình amalgam bằng composite. Tuyên bố về amalgam nha khoa của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ khẳng định rằng, amalgam là một sự lựa chọn phù hợp, khả thi và an toàn cho các bệnh nhân nha khoa.5 Một Ủy ban Khoa học của Hội đồng Châu Âu cũng kết luận rằng amalgam rất hiệu quả và an toàn.6 Họ còn tuyên bố rằng không có lý do gì để loại bỏ một vật liệu tốt như amalgam ngoại trừ phản ứng dị ứng. Nếu chỉ có sự hiện diện của một rìa phục hình kém thì cũng không cần phải thay thế phục hình amalgam.7 Có xấp xỉ 71 triệu hoặc nhiều hơn các phục hình amalgam đơn giản được thực hiện hằng năm.8 Tốt nhất là sử dụng chúng khi có nhiều hơn một nửa ngà thân răng còn nguyên vẹn.
Hình 6-3 Kỹ thuật tạo xoang đường hầm và glass ionomer có thể dùng để phục hình tổn thương mới chớm trên mặt bên của răng sau.
Kích thước tạo xoang cho các tổn thương mới chớm đã nhỏ lại trong các năm gần đây do sự phổ biến của quan điểm “mở rộng để dự phòng” đã giảm mạnh. Sự dịch chuyển theo hướng tạo xoang ít sang chấn nói trên đã được hỗ trợ bởi sự phát triển của các dụng cụ nhỏ hơn và amalgam khỏe hơn. Dù sao thì ngay cả một sửa soạn xoang tối thiểu cho phục hình amalgam cũng làm giảm đáng kể sự toàn vẹn cấu trúc của răng.9
Amalgam phức tạp
Amalgam được tăng cường bởi pin hoặc các phương tiện lưu giữ hỗ trợ khác có thể được sử dụng để phục hình các răng với các tổn thương từ trung bình tới nặng trong đó còn lại ít hơn một nửa ngà thân răng (Hình 6-9). Amalgam sử dụng theo cách này có thể là phục hình cuối cùng nếu chống chỉ định làm chụp do tài chính hạn chế hoặc vệ sinh răng miệng kém. Nó có thể được sử dụng để phục hình các răng mất núm hoặc răng cối nhỏ và lớn đã điều trị nội nha—các răng vốn thông thường được phục hình bằng onlay gần nhai xa (MOD) hoặc các phục hình ngoài thân răng khác. Trong trường hợp này, amalgam được sử dụng để thay thế núm hoặc phủ lên núm nhằm mạng lại sự bảo vệ mặt nhai. Mặc dù amalgam đem lại sức chống đỡ tốt ở răng được phục hình,10 nhưng lý tưởng thì nên làm chụp lên trên các phục hình amalgam lưu giữ bằng pin, sử dụng amalgam làm cùi giả hay làm phục hình cơ sở (foundation restoration).
Hình 6-7 Inlay gián tiếp làm bằng composite có thể sử dụng cho các phục hình nhai-bên trên răng sau.
Inlay kim loại
Răng ít đòi hỏi về thẩm mỹ và có tổn thương nhỏ tới trung bình có thể được phục hình bằng inlay kim loại (Hình 6-10). Mặc dù thường làm từ các hợp kim vàng vốn mềm hơn, inlay kim loại cũng có thể được làm từ hợp kim có thể xoi mòn nếu mong muốn có hiệu quả dán dính.11,12 Eo của xoang nên hẹp để giảm thiểu sức nén lên cấu trúc răng xung quanh. Các răng cối nhỏ nên có một gờ bên nguyên vẹn để bảo tồn sự toàn vẹn cấu trúc và giảm thiểu nguy cơ vỡ thân răng.
Lượng cấu trúc răng lớn hơn ở các răng hàm lớn cho phép sử dụng loại phục hình này dưới dạng MOD. Chỉ định của loại phục hình này tương tự như chỉ định của amaglam bởi vì loại phục hình này chỉ thay thế cấu trúc răng bị mất mà không bảo vệ cấu trúc răng còn lại. Do tạo xoang cho loại phục hình này đòi hỏi phá nhiều cấu trúc răng, không nên dùng cho các tổn thương mới chớm.
Inlay sứ
Các phục hình inlay sứ được sử dụng để phục hình răng có tổn thương kích thước nhỏ tới trung bình mà cho phép tạo eo xoang hẹp ở vùng đòi hỏi thẩm mỹ cao. Các răng hàm nhỏ nên có một gờ bên nguyên vẹn, nhưng inlay sứ MOD có thể được dùng ở răng hàm lớn (Hình 6-11). Loại phục hình này cũng có thể được xoi mòi để tăng cường dán dính, và có một số bằng chứng cho thấy rằng sự toàn vẹn cấu trúc của núm răng có thể được duy trì ổn định bằng dán dính.13 Loại phục hình này đòi hỏi tạo xoang kích thước tương đối lớn, không nên dùng nó để điều trị các tổn thương mới chớm.
Onlay gần nhai xa (MOD)
Kiểu phục hình này có thể sử dụng để phục hình các tổn thương trung bình lớn trên răng hàm nhỏ và răng hàm lớn có mặt ngoài và mặt trong còn nguyên vẹn (Hình 6-12). Nó sẽ bao gồm một eo xoang rộng và tối đa là một múi răng bị mất trên răng hàm lớn. Nếu cần làm phục hình kim loại đúc trên răng hàm nhỏ mà cả hai gờ bên đều bị tổn thương, phục hình đó nên bao gồm cả mặt nhai để bảo vệ cấu trúc răng còn lại. Loại phục hình này cũng có thể xem là phục hình ngoài thân răng bởi vì có phần mặt nhai nằm lên trên và bảo vệ các núm răng.
Onlay MOD không đủ sức chống đỡ cần thiết để dùng làm vật giữ của phục hình từng phần cố định (cầu răng). Mặc dù thường làm từ hợp kim vàng, loại phục hình này cũng được làm từ thủy tinh đúc và các loại sứ khác. Nên sử dụng onlay MOD sứ thật thận trọng. Nếu không đủ độ dày mặt nhai, kiểu phục hình này rất dễ vỡ.
Phục hình ngoài thân răng
Nếu cấu trúc thân răng còn lại không đủ để lưu giữ phục hình bên trong thân răng, cần phải làm phục hình ngoài thân răng, hay chụp. Chụp còn có thể được dùng khi trục răng nghiêng bất thường hoặc khi cần phải điều chỉnh lại hình dáng răng để sửa chữa khớp cắn hay cải thiện thẩm mỹ.
Chụp từng phần
Đây là loại chụp không che phủ một hoặc nhiều mặt răng song song với trục răng (Hình 6-14). Nó sẽ mang lại mức lưu giữ tối đa có thể trong bất kỳ tình huống nào, nhưng việc sử dụng loại chụp này chỉ được giới hạn ở các trường hợp không quan tâm đến thẩm mỹ. Cụ thể là loại chụp này chỉ dùng cho các răng hàm lớn thứ hai, một số răng hàm lớn thứ nhất hàm dưới, và đôi khi răng hàm nhỏ thứ hai hàm dưới. Bởi vì cần mài ít cấu trúc răng khi sửa soạn cùi răng hơn so với các loại chụp có thành phần sứ, và bởi vì việc chế tạo loại chụp này là dễ nhất trong các loại chụp, vẫn nên cân nhắc loại chụp này khi lập kế hoạch phục hình một răng trên các răng hàm lớn cũng như phục hình từng phần cố định phía sau.
Chụp sứ-kim loại
Chụp sứ kim loại cũng có thể sử dụng để phục hình các răng với nhiều mặt răng song song với trục răng bị tổn thương (Hình 6-15). Nó cũng có khả năng mang lại lưu giữ tối đa, nhưng nó còn đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ cao. Nó có thể được sử dụng làm vật giữ của phục hình từng phần cố định khi cần kết hợp che phủ toàn bộ và kết quả thẩm mỹ tốt.
Chụp toàn sứ
Khi đòi hỏi kết hợp che phủ toàn bộ và thẩm mỹ tối đa, chụp toàn sứ là sự lựa chọn điều trị phù hợp (Hình 6-17). Loại phục hình này cũng có thể được sử dụng để phục hình mẻ răng cửa mức độ trung bình và các tổn thương nhỏ ở mặt bên. Việc sử dụng veneer đòi hỏi mài răng tối thiểu và do đó mang lại một lựa chọn thay thế cho chụp, hấp dẫn đối với bệnh nhân và cả nha sĩ.
Các đặc tính và áp dụng của 12 loại phục hình một răng được trình bày trong chương này được chỉ ra ở Bảng 6-1.
Loại phục hình | Kích thước tổn thương | Xếp hạng độ bền | Răng trụ FPD | Răng trụ RPD | Thẩm mỹ | Lưu giữ | Bảo vệ răng | Thay thế núm | Phục hình mặt nhai | Phục hình rìa cắn | Phục hình mặt má | Phục hình nội nha |
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Trong thân răng | ||||||||||||
Glass ionomer | Mới chớm | 5 | Kô | Kô | Vừa | NA | Kô | Kô | Kém | Kém | Loại V | Kô |
Compo-site resin | Mới chớm đến vừa | 4 | Kô | Kô | Tốt | NA | Kô | Kô | Kém | Vừa | Loại V | Kô |
Amal-gam đơn giản | Mới chớm đến vừa | 1 | Kô | Có | Kém đến đủ* | NA | Kô | Kô | Loại II | Kô | Loại V | Kô |
Amal-gam phức | Lớn | 3 | Kô | Có | Kém đến đủ* | NA | Ít | Có | Vừa | Kô | Tất cả† | Có‡ |
Inlay kim loại | Vừa | 2 | Kô | Có | Kém đến đủ* | Thấp | Không§ | Kô | Loại II | Kém | Loại V | Kô |
Inlay sứ | Vừa | 3 | Kô | Kô | Tốt | Thấp | Không§ | Kô | Loại II | Vừa | Loại V | Kô |
Onlay MOD | Vừa đến lớn | 1 | Kô | Có | Kém đến đủ* | Vừa | Có | Có | Tốt | Kô | Kô | Có |
Ngoài thân răng | ||||||||||||
Chụp từng phần | Lớn | 1 | Có | Có | Kém đến đủ | Vừa | Có | Có | Tốt | Kém | Rev ¾; Prox ½† | Có |
Chụp kim loại | Lớn | 1 | Có | Có | Kém | Tốt | Có | Có | Tốt | Kém | Tất cả† | Có |
Chụp sứ-kim loại | Lớn | 2 | Có | Có | Tốt | Tốt | Có | Có | Tốt | Tốt | Tất cả | Có |
Chụp toàn sứ | Lớn | 3 | Kô | Kô | Tốt | Tốt | Có | Có|| | Vừa | Tốt | Tất cả | Có |
Veneer sứ | Mới chớm | 3 | Kô | Kô | Tốt | Vừa | Kô | Kô¶ | Kém | Tốt | Tất cả | Kô |
FPD, phục hình từng phần cố định; RPD, hàm giả tháo lắp từng phần; NA, không tính được; rev, ngược; prox, mặt bên.
*Phụ thuộc vào vị trí răng, vị trí phục hình(phía gần hay phía xa), và mong đợi của bệnh nhân.
†Tốt về cấu trúc, nhưng không thẩm mỹ.
‡Một điều trị thỏa hiệp chấp nhận được nếu các núm răng được chụp lại bằng amalgam.
§Có thể mang lại một mức độ bảo vệ nào đó khi phối hợp với etching và bonding.
||Khi sử dụng với cùi hoặc phục hình cơ sở.
¶Có thể được sử dụng để thay thế một góc rìa cắn.
Bảng 6-1 Các đặc tính và áp dụng của các loại phục hình một răng
Độ bền của phục hình
Mọi nha sĩ đều muốn trả lời được câu hỏi của bệnh nhân, “Phục hình của tôi sẽ kéo dài được bao lâu?” Mặc dù câu hỏi này có vẻ logic, nhưng không may là không thể trả lời chính xác. Chúng ta không thể dự đoán quãng đời của một đôi giày hay một cái ti vi, và các vật dụng thường ngày này không được làm cho từng cá nhân cụ thể, cũng như chúng không thực hiện chức năng trong một môi trường sinh học không thuận lợi, ngâm chìm trong nước.
Các nghiên cứu lâm sàng về độ bền của phục hình đã đưa ra các con số biến thiên rất rộng. Theo quy luật thông thường, các phục hình đúc sẽ tồn tại trong miệng hơn các phục hình amalgam, amalgam sẽ tồn tại lâu hơn các phục hình composite.14 Tổng hợp năm nghiên cứu trên 676 bệnh nhân kết luận rằng các phục hình amalgam có tỉ lệ thất bại là 50% giữa 5.5 và 11.5 năm, với một tuổi thọ mong đợi theo phương pháp ngoại suy là 10 đến 14 năm.15
Meeuwissen và cộng sự16 đã báo cáo tỉ lệ tồn tại 58% sau 10 năm đối với các phục hình amalgam trên các bệnh nhân quân đội Hà Lan; Arthur và cộng sự17 báo cáo tỉ lệ tồn tại 83% sau quãng thời gian tương tự trong một nhóm quân đội Hoa Kỳ. Qvist và cộng sự18 phát hiện ra rằng 50% phục hình amalgam trong một nhóm bệnh nhân Đan Mạch thất bại sau 7 năm. Christensen19 ước tính độ bền của các phục hình amalgam là 14 năm. Trên các nhóm dân cư chọn lọc, các phục hình amalgam không xác định loại hay kích cỡ trong một nghiên cứu14 đã cho thấy tỉ lệ tồn tại sau 10 năm là 72%. Một nghiên cứu khác đã báo cáo tỉ lệ tồn tại 72.8% sau 15 năm với amalgam đơn giản.20
Một cuộc khảo sát trên 571 bác sĩ phục hình cố định, nha sĩ phục hình không chuyên sâu, và khoa nha đã đưa ra quãng đời trung bình của amalgam đơn giản là 11.2 năm và 6.1 năm với amalgam phức tạp.21 Một nhóm 125 amalgam phức tạp đã được báo cáo là có tỉ lệ tồn tại 76% sau 15 năm,20 trong khi một nhóm 171 phục hình amalgam phức khác cho kết quả tỉ lệ tồn tại 50% sau 11.5 năm.22
Các phục hình composite không được đánh giá trong nhiều nghiên cứu về độ bền. Một nghiên cứu trên các bệnh nhân của trường nha có đánh giá composite báo cáo tỉ lệ tồn tại 55.9% sau 10 năm.14 Một báo cáo khác, tiến hành trên nhóm bệnh nhân tổng quát, cho thấy quãng đời của phục hình composite là ngắn hơn, với 50% trường hợp thất bại sau 6.1 năm.23
Mount24 chỉ ra tỉ lệ thành công chung của 1,283 phục hình glass-ionomer là 93% trong 7 năm, với tỉ lệ thay đổi từ 2% đến 36% phụ thuộc vào loại xoang và thương hiệu cement. Trong nghiên cứu đó, các bệnh nhân nghiên cứu chỉ được điều trị bởi hai nha sĩ, và không phải tất cả các phục hình được giữ yên trong toàn bộ quãng thời gian 7 năm nghiên cứu. Mặc dù có triển vọng, nhưng các số liệu này phải được đánh giá thận trọng cho đến khi các nghiên cứu kéo dài hơn trên nhóm dân cư lớn hơn hoàn thành.
Schwartz và cộng sự,25 sau khi nghiên cứu một nhóm 791 phục hình thất bại, đã báo cáo tuổi thọ trung bình, ở thời điểm thất bại, là 10.3 năm với chụp toàn phần, 11.4 năm với chụp ba phần tư, và 8.5 năm với chụp jacket sứ (chụp toàn sứ răng trước). Tuổi thọ trung bình của tất cả các phục hình cố định là 10.3 năm. Walton và cộng sự,26 đánh giá một nhóm 424 phục hình, chỉ ra rằng chụp toàn phần kéo dài được 7.1 năm, chụp veneer từng phần 14.3 năm, chụp sứ kim loại 6.3 năm, inlay và onlay 11.2 năm, và chụp jacket sứ 8.2 năm.
Phản hồi của các nha sĩ với điều tra của Christensen ước tính độ bền của chụp từ 21 đến 22 năm.19 Con số ước tính từ phản hồi với điều tra của Maryniuk và Kaplan21 là 12.7 năm với chụp sứ kim loại và 14.7 năm với chụp toàn vàng. Kerschbaum,27 phân tích các hồ sơ bảo hiểm ở Đức, cho thấy 91.5% chụp vàng vẫn tồn tại trong miệng sau 8 năm. Trong một cuộc khảo sát các bệnh án ở 40 phòng nha tại Hà Lan, Leempoel và cộng sự28 chỉ ra tỉ lệ tồn tại sau 10 năm là 98% và 95.3% tương ứng với chụp toàn phần và chụp sứ-kim loại.
Tồng hợp độ bền từ một số nghiên cứu được trình bày ở Bảng 6-2.
Câu hỏi về độ bền là một câu hỏi quan trọng để cân nhắc khi lựa chọn phương pháp điều trị cho bệnh nhân. Sửa soạn cho phục hình cần mài càng nhiều tổ chức thì rủi ro tiềm tàng cho răng càng lớn và cuối cùng là chi phí càng lớn. Năm 1989, người ta ước tính rằng nếu một chụp răng được đặt vào miệng bệnh nhân ở tuổi 22, với chi phí $425, các dịch vụ kèm theo và việc thay thế chụp đó sẽ tốn của bệnh nhân gần $12,000 nếu tính tuổi thọ mong đợi trung bình của bệnh nhân là 75 năm.32 Hiện nay, chi phí đầu tiên có thể tăng gấp đôi, hay $850, tương ứng với sự gia tăng gấp đôi giá thành của các điều trị về sau, dẫn đến chi phí mà bệnh nhân phải trả là gần $24,000.
Tác giả | Loại ng cứu | Số phục hình | Loại phục hình | |||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
GIC | Com-posite | Amal-gam đơn giản | Amal-gam phức | Inlay kim loại | Inlay sứ | Onlay MOD | Chụp từng phần | Chụp kim loại | Chụp sứ-kim loại | Chụp toàn sứ | Veneer sứ | |||
Bentley và Drake14 | Lâm sàng | 1,207 | — | 55.9% sau 10 năm | 72.0% sau 10 năm | — | 87.3% sau 10 năm | — | 87.3% sau 10 năm | — | 86.3% sau 10 năm | — | — | — |
Maryniuk15 | Lâm sàng* | 1,940 | — | — | 10 đến 14 năm | — | — | — | — | — | — | — | — | — |
Meeuwissen và cộng sự16 | Lâm sàng | 8,492 | — | — | 58.0% sau 10 năm | — | — | — | — | — | — | — | — | |
Arthur và cộng sự17 | Lâm sàng | 2,200 | — | — | 83% sau 10 năm | — | — | — | — | — | — | — | — | — |
Qvist và cộng sự18,23 | Lâm sàng | 442 | — | 50% sau 6.1 năm | 50% sau 7.0 năm | — | — | — | — | — | — | — | — | — |
Christensen19 | Khảo sát | 731 | — | 7.3 năm | 13.8 năm | — | 20.6 năm | 12.7 năm | 20.6 năm | 20.6 năm | 20.6 năm | 22.2 năm | — | — |
Smales20 | Lâm sàng | 768 | — | — | 72.8% sau 15 năm | 72.6% sau 15 năm | — | — | — | — | — | — | — | — |
Maryniuk và Kaplan21 | Khảo sát | 571 | — | — | 11.2 năm | 6.1 năm | 12.7 năm | — | — | — | 14.7 năm | 12.7 năm | — | — |
Robbins và Summit22 | Lâm sàng | 128 | — | — | — | 50% at 11.5 năm | — | — | — | — | — | — | — | — |
Mount24 | Lâm sàng | 1,283 | 93% sau 7 năm | — | —— | — | — | — | — | — | — | — | — | — |
Schwartz và cộng sự25 | Lâm sàng | 791 | — | — | —— | — | 11 năm | — | — | — | 10.3 năm | — | 8.5 năm | — |
Walton và cộng sự26 | Lâm sàng | 451 | — | — | — | — | 11.2 năm | — | — | — | 7.1 năm | 6.3 năm | 8.2 năm | — |
Kerschbaum27 | Lâm sàng | 9,737 | — | — | — | — | — | — | — | — | 91.5% sau 8 năm | — | — | — |
Leempoel và cộng sự28 | Lâm sàng | 10,000 | — | — | — | — | — | — | — | — | 98% sau 10 năm | 95.3% sau 10 y† | 82% sau 10 năm | — |
Swift và Friedman29 | Lâm sàng | 372 | — | — | — | — | — | — | — | — | — | — | — | 50% sau 6.5 năm |
Burke và Lucarotti30 | Lâm sàng | 2,562 | — | — | — | — | — | — | — | — | — | — | — | 53% sau 11 năm |
Bernardo và cộng sự31 | Lâm sàng | 1,748 | — | 50.0%–93.6% sau 7 năm‡ | 90.5% sau 7 năm | 81.8% sau 7 năm | — | — | — | — | — | — | — | — |
—, không thực hiện trong nghiên cứu. *Biên soạn và tổng hợp từ năm nghiên cứu lâm sàng. †Tỉ lệ tồn tại trung bình đối với các chụp răng trước, răng hàm nhỏ và răng hàm lớn. ‡Tỉ lệ nghịch với số lượng bề mặt được phục hình.
Bảng 6-2 Độ bền của các loại phục hình một răng
Tham khảo
1. Potts RG, Shillingburg HT Jr, Duncanson MG Jr. Retention and resistance of preparations for cast restorations. J Prosthet Dent 1980;43:303–308.
2. Kishimoto M, Shillingburg HT Jr, Duncanson MG Jr. Influence of preparation features on retention and resistance. Part I: MOD onlays. J Prosthet Dent 1983;49:35–39.
3. Holt RA, Nordquist RE. Effect of resin/fluoride and holmium:YAG laser irradiation on the resistance to the formation of caries-like lesions. J Prosthodont 1997;6:11–19.
4. Hicks J, Winn D 2nd, Flaitz C, Powell L. In vivo caries formation in enamel following argon laser irradiation and combined fluoride and argon laser treatment: A clinical pilot study. Quintessence Int 2004;35:15–20.
5. American Dental Association Council on Scientific Affairs. Statement on Dental Amalgam. Revised August 2009. http://www.ada.org/1741.aspx. Accessed 29 May 2011.
6. European Commission, Scientific Committee on Emerging and Newly Identified Health Risks. The Safety of Dental Amalgam and Alternative Dental Restoration Materials for Patients and Users, 6 May 2008. http://ec.europa.eu/health/ph_risk/committees/04_scenihr/docs/scenihr_o_016.pdf. Accessed 29 May 2011.
7. Kidd EA, O’Hara JW. The caries status of occlusal amalgam restorations with marginal defects. J Dent Res 1990;69:1275–1277.
8. Krupa D. Press Release: Review and Analysis of the Literature on the Potential Health Effects of Dental Amalgams. 9 December 2004. http://www.lsro.org/amalgam/frames_amalgam_home.html.
9. Mondelli J, Steagall l, Ishikiriama A, de Lima Navarro MF, Soares FB. Fracture strength of human teeth with cavity preparations. J Prosthet Dent 1980;43:419–422.
10. Reagan SE, Schwandt NW, Duncanson MG Jr. Fracture resistance of wide-isthmus mesio-occulusodistal preparations with and without amalgam cuspal coverage. Quintessence Int 1989; 20:469–472.
11. Kent WA, Shillingburg HT, Duncanson MG, Nelson EL. Fracture resistance of ceramic inlays with three luting materials. J Dent Res 1991;70(1 suppl):561.
12. Livaditis GJ. Etched-metal resin-bonded intracoronal cast restorations. Part II: Design criteria for cavity preparation. J Prosthet Dent 1986;56:389–395.
13. Bodell RW, Kent WA, Shillingburg HT, Duncanson MG. Fracture resistance of intracoronal metallic restorations and three luting materials. J Dent Res 1991;70(1 suppl):562.
14. Bentley C, Drake CW. Longevity of restorations in a dental school clinic. J Dent Educ 1986;50:594–600.
15. Maryniuk GA. In search of treatment longevity—A 30-year perspective. J Am Dent Assoc 1984;109:739–744.
16. Meeuwissen R, van Elteren P, Eschen S, Mulder J. Durability of amalgam restorations in premolars and molars in Dutch servicemen. Community Dent Health 1985;2:293–302.
17. Arthur JS, Cohen ME, Diehl MC. Longevity of restorations in a U.S. military population. J Dent Res 1988;67(1 suppl):388.
18. Qvist V, Thylstrup A, Mjör IA. Restorative treatment pattern and longevity of amalgam restorations in Denmark. Acta Odontol Scand 1986;44:343–349.
19. Christensen GJ. The practicability of compacted golds in general practice—A survey. J Colo Dent Assoc 1971;49:18–22.
20. Smales RJ. Longevity of cusp-covered amalgams: Survivals after 15 years. Oper Dent 1991;16:17–20.
21. Maryniuk GA, Kaplan SH. Longevity of restorations: Survey results of dentists’ estimates and attitudes. J Am Dent Assoc 1986;112:39–45.
22. Robbins JW, Summitt JB. Longevity of complex amalgam restorations. Oper Dent 1988;13:54–57.
23. Qvist V, Thylstrup A, Mjör IA. Restorative treatment pattern and longevity of resin restorations in Denmark. Acta Odontol Scand 1986;44:351–356.
24. Mount GJ. Longevity of glass ionomer cements. J Prosthet Dent 1986;55:682–685.
25. Schwartz NL, Whitsett LD, Berry TG, Stewart JL. Unserviceable crowns and fixed partial dentures: Life-span and causes for loss of serviceability. J Am Dent Assoc 1970;81:1395–1401.
26. Walton JN, Gardner FM, Agar JR. A survey of crown and fixed partial denture failures: Length of service and reasons for replacement. J Prosthet Dent 1986;56:416–421.
27. Kerschbaum T. Long-term prognosis of crowns and bridges today [in German]. Zahnarztl Mitt 1986;76:2315–2320.
28. Leempoel P, de Haan A, Reintjes A. The survival rate of crowns in 40 Dutch practices. J Dent Res 1986;65:565.
29. Swift EJ, Friedman MJ. Critical appraisal. Porcelain veneer outcomes. Part I. J Esthet Restor Dent 2006;18:54–57.
30. Burke FJ, Lucarotti PS. Ten-year outcome of porcelain veneers placed within the general dental services in England and Wales. J Dent 2009;37:31–38.
31. Bernardo M, Luis H, Martin MD, et al. Survival and reasons for failure of amalgam versus composite posterior restorations placed in a randomized clinical trial. J Am Dent Assoc 2007;138:775– 783.
32. Cohen BD, Milobsky SA. Monetary damages in dental-injury cases. Trial Lawyers Quarterly 1989;20:80–81.