Vùng cổ trước hay tam giác cổ trước
- Giới hạn: Trên là bờ dưới thân xương hàm dưới, sau là bờ trước cơ ức đòn chũm, trước là đường giữa cổ, liên tiếp với vùng cổ trước bên đối diện.
Vùng cổ trước được chia thành vùng trên móng và vùng dưới móng.
- Vùng cổ trước trên móng
Hình thể ngoài: Vùng này có hình dạng của một tam giác có đáy ở phía trên. Khi sờ nắn vùng này chúng ta có thể thấy xương móng ở phía trên. Dưới đó là một chỗ lõm nằm ngang tương ứng với khoảng giữa xương móng và bờ trên sụn giáp. Ở dưới chỗ lõm này, trên đường giữa, ta có thể thấy một chỗ lồi gọi là lồi thanh quản. Thấp hơn nữa là một chỗ lõm tương ứng với khoảng giữa sụn nhẫn và sụn giáp. Và cuối cùng là hõm trên ức, từ hõm có một rãnh đi lên dọc theo bờ trước cơ ức đòn chũm.
Gồm các lớp cấu trúc:
- Da và mô dưới da, chứa cơ bám da cổ, các nhánh của TK ngang cổ và TM cảnh trước.
- Lá nông mạc cổ. TM cảnh trước đi qua lá này để đi vào khoang trên ức.
- Khoang trên ức. Khoang này nằm giữa lá nông mạc cổ (dính vào bờ trước xương ức) và lá trước khí quản của mạc cổ (dính vào bờ sau xương ức). Trong khoang này chứa mô mỡ và phần dưới TM cảnh trước).
- Các cơ dưới móng và lá trước khí quản mạc cổ, sắp xếp thành 2 mặt phẳng:
- + Mặt phẳng thứ nhất bao gồm cơ ức – móng và cơ – vai móng (bụng trên) được bọc trong lá nông của lá trước khí quản mạc cổ.
- + Mặt phẳng thứ hai được tạo nên bởi các cơ ức – giáp và cơ giáp – móng, các cơ này được bao bọc bởi lá sâu của lá trước khí quản của mạc cổ.
- Hai cơ ức – giáp ở hai bên hội tụ lại với nhau ở phía dưới tạo thành một khoảng kẽ hình tam giác có đáy quay lên phía trên. Khoảng kẽ này lại được chồng lên bởi khoảng kẽ của hai cơ ức – móng, tạo nên một hình trám gọi là trám mở khí quản. Ở trong hình trám này hai lá nông và sâu của lá trước khí quản của mạc cổ hợp lại làm một. Cũng chính tại đây, ở phía trên của khoảng trên ức, lá trước khí quản, dính vào lá nông của mạc cổ.
- Trục thanh – khí quản, trục hầu – thực quản và tuyến giáp
Phía sau của lá trước khí quản của mạc cổ và các cơ dưới móng là trục thanh – khí quản, tuyến giáp và trục hầu- thực quản. Tuyến giáp nằm ở phía trước đầu tận trên khí quản và đầu tận dưới thanh quản (h 364). Trục thanh – khí quản, trục hầu – thực quản và tuyến giáp được bao bọc ở phía trước bởi lá trước khí quản của mạc cổ, phía sau bởi lá trước sống và cột sống cổ, hai bên bởi bó mạch cảnh, thần kinh X và bao mạc xung quanh bó mạch thần kinh này.
Ở phía trước và ở phía trên, màng giáp móng được ngăn cách với lá sâu của lá trước khí quản (bọc cơ giáp móng) bởi một tổ chức tế bào trong đó có túi (thanh dịch) sau và dưới móng. Đi qua tổ chức tế bào phủ lên màng giáp móng này có động mạch thanh quản trên và nhánh trên (trong) của thần kinh thanh quản trên. Nhánh này đi ra trước, xuống dưới, gặp động mạch, rồi cùng động mạch chui qua màng giáp móng ở một lỗ ở cách đều xương móng và sụn giáp và nằm ở khoảng 1 đến 2 cm ở phía trước dây chằng giáp móng bên. Trong lỗ này, thần kinh thường nằm trên động mạch.
Ở phía dưới màng giáp móng, lá sâu của lá trước khí quản phủ trực tiếp lên thanh quản, các hạch trước khí quản và mặt trước của tuyến giáp. Lá trước khí quản dính vào bao tạng và ở dưới chỗ dính này có một ngách mạc kéo dài xuống phía dưới tới tận ngoại tâm mạc gọi là mạc giáp – ngoại tâm mạc. Mạc này đi từ bờ dưới tuyến giáp, lách giữa bao tạng và khí quản ở sau, lá trước khí quản và các cơ dưới móng ở phía trước để đi tới ngoại tâm mạc. Trên đường đi, mạc này bao bọc lấy các tĩnh mạch giáp dưới, các hạch trước khí quản và thân tĩnh mạch cánh tay đầu trái (h 363).
Lá sâu của lá trước khí quản ở phía trước và mạc giáp – ngoại tâm mạc ở phía sau góp phần tạo nên giới hạn hố tuyến ức (h 363). Bình thường, ở người lớn, hố này chỉ chứa một tổ chức mỡ.
Ở phía sau, hầu và thực quản liên quan với cột sống và lá trước sống của mạc cổ qua bao tạng và phía sau nó là khoang sau tạng (h 365). Khoang này được giới hạn bởi: Phía trước là bao tạng (mà phần phía trên ở sau hầu được gọi là mạc hầu nền); Phía sau là cột sống cổ và lá trước sống mạc cổ phủ lên trước các cơ trước sống; Hai bên là hai vách đứng dọc đi từ bao tạng đến lá trước sống của mạc cổ.
Khoang sau tạng là một khoang dẹt theo chiều trước sau. Nó chứa đựng một lớp mô liên kết mỏng và lỏng lẻo.
Ở hai bên, thanh quản và tuyến giáp được phủ bởi lá sâu của lá trước khí quản. Ở phía sau của tuyến, lá này dính với bao tạng (h 365).
Ở phía dưới tuyến giáp, bao tạng bao lấy thực quản và khí quản. Nó cũng bao lấy cả thần kinh quặt ngược và các hạnh của chuỗi quặt ngược. Thần kinh quặt ngược bên phải đi dọc bờ ngoài thực quản trong góc nhị diện tạo bởi khí quản và thực quản, còn thần kinh quặt ngược bên trái đi lên dọc phần ngoài của mặt trước thực quản, sát bờ trái của khí quản.
H 28: Vùng cổ trước. Mặt phẳng trên cân và khoang thượng ức.
H 29 : Hình ảnh cắt đứng dọc qua đường giữa cổ (mô tả các lớp cân cổ).
H 30 : Vùng cổ trước (bình diện sâu).
H 31: Sơ đồ cắt ngang qua cổ (đi qua đầu trên thực quản).
Ở ngang mức cực dưới thuỳ bên tuyến giáp thần kinh quặt ngược giao nhau với động mạch giáp dưới. Thường là thần kinh giao nhau với các nhánh tận của động mạch, nhưng đôi khi nó có thể chạy ở phía trong hoặc ở phía ngoài động mạch.
Qua trung gian của bao tạng, các tạng ở cổ liên quan ở hai bên với bao cảnh và bó mạch cảnh. Nhất là ở ngang mức tuyến giáp, phần lớn bó mạch thần kinh nằm ẩn phía sau thuỳ bên của tuyến giáp.
Phía sau khoảng kẽ giữa bao mạch và bao tạng, ở trên mỏm ngang đốt sống cổ 6 khoảng 1 đến 2 cm, động mạch giáp dưới đổi hướng đi vào phía trong để tới cực dưới thuỳ bên tuyến giáp .
- Vùng ức đòn chũm hay vùng cảnh
H 32: Vùng ức đòn chũm (Lớp nông)
Vùng ức đòn chũm (vùng cảnh)
Vị trí và giới hạn
Vùng ức đòn chũm nằm ở phần trước bên của cổ, giữa các tam giác cổ trước và sau.
Giới hạn phía nông của vùng tương ứng với các bờ và các đầu tận của cơ ức đòn chũm. Ở phía sâu, giới hạn của vùng mở rộng cho đến tận lá trước sống của mạc cổ và các cơ trước sống.
Hình thể .Vùng có hình tứ giác. Giới hạn trước của nó được đánh dấu bằng chỗ nhô lên của bờ trước cơ ức đòn chũm. Ở bờ dưới của vùng có một chỗ lõm tương ứng với khoảng kẽ giữa bó ức và bó đòn của cơ ức đòn chũm. Ở phía sâu dưới chỗ lõm này là nơi đi qua của tĩnh mạch cảnh trong.
Cấu trúc
- Lớp nông: Da và mô dưới da, chứa cơ bám da cổ, TM cảnh ngoài và các nhánh nông của đám rối cổ: chẩm nhỏ, tai lớn, ngang cổ.
- Cơ ức đòn chũm được bọc trong lá nông mạc cổ
- Lớp mô liên kết dưới cơ ức đòn chũm. Lớp này chứa một số hạch bạch huyết và các cơ dưới móng (cơ vai móng và một phần cơ ức móng). Gân trung gian cơ vai móng nằm trước bó mạch cảnh.
H 33: Vùng cơ ức đòn chũm (Lớp mô liên kết và tổ chức hạch lympho phía dưới cơ ức đòn chũm)
Lớp tế bào lỏng lẻo và hạch bạch huyết dưới cơ ức đòn chũm (h 367)
Lớp tế bào chứa tổ chức mỡ và các hạch bạch huyết này là nơi đi qua của thần kinh XI và rất nhiều nhánh thần kinh cổ nông và cổ sâu (h 367). Trong đó:
Nhánh ngoài của thần kinh XI đi xuống dưới và ra ngoài xuyên qua bó ức chũm của cơ ức đòn chũm để đi xuống vùng trên đòn.
Các nhánh thần kinh ngang cổ, tai lớn và chẩm nhỏ của đám rối cổ đi từ trong ra ngoài, vòng qua bờ sau cơ để đi ra nông. Chỉ có nhánh trên đòn là vẫn đi trong đám mô liên kết dưới cơ ức đòn chũm cho đến tận vùng trên đòn.
Trong số các nhánh sâu của đám rối cổ có một nhánh chui vào cơ ức đòn chũm, nối với thần kinh XI và một nhánh khác; rễ dưới quai cổ đi xuống dưới, vào trong, về hướng bao mạch.
Bó mạch thần kinh cổ và bao cảnh
Ở phần trong của vùng lớp tế bào mỡ có chứa các hạch cổ dưới cơ ức đòn chũm bao lấy bao mạch, trong đó có chứa bó mạch thần kinh của cổ (h367).
Bao mạch được cấu tạo bởi các động mạch cảnh ở phía trong, tĩnh mạch cảnh trong ở phía ngoài và dây thần kinh X ở phía sau (h368). Trong đó:
Động mạch cảnh chung nằm ở phía trong của bó mạch. Nó đầu tiên đi hơi chếch ra ngoài sau đó đi thẳng lên phía trên ở ngay phía trước các mỏm ngang của các đốt sống cổ (ở phía trước trong của các củ trước của các mỏm ngang). Động mạch được ngăn các với các mỏm ngang này bởi các cơ trước sống và lá trước sống của mạc cổ. Nó liên quan ở phía trong với khí quản, thực quản ở phía dưới và với thanh quản, hạ hầu ở phía trên. Ở phía trước, nó liên quan với thuỳ bên của tuyến giáp và các mặt phẳng mạc – cơ cơ ức đòn chũm, các cơ dưới móng. Ở gần chỗ tận hết động mạch, động mạch được bắt chéo phía trước bởi thân tĩnh mạch giáp lưỡi mặt. Ở phía dưới chỗ bắt chéo này còn có chỗ bắt chéo của động mạch với tĩnh mạch giáp giữa. Tới khoảng 1 cm dưới bờ trên sụn giáp, động mạch cảnh chung chia đôi thành các động mạch cảnh ngoài và động mạch cảnh trong.
H 34: Vùng ức đòn chũm (Bó mạch thần kinh cổ và bao cảnh)
Động mạch cảnh ngoài đầu tiên đi lên trên ở phía trước hơn và trong hơn so với động mạch cảnh trong, đến khoảng 1 đến 2cm từ chỗ chia đôi hai động mạch, động mạch đổi hướng đi ra ngoài, bắt chéo phía trước của động mạch cảnh trong. Ở chỗ chia đôi hai động mạch cảnh trong, nằm giữa hai động mạch này là tiểu thể cảnh (hay còn gọi là tuyến cảnh).
Cả động mạch cảnh chung, động mạch cảnh trong và động mạch cảnh ngoài đều đi lên ở phía trước mỏm ngang của các đốt sống cổ, các cơ trước sống và lá trước sống của mạc cổ. Chúng đều nằm phía ngoài của bao tạng và phía sau cơ ức đòn chũm. Cơ ức đòn chũm khi còn nằm ở trong bao cơ phủ lên trước tất cả các thành phần của bó mạch, cả động mạch cảnh chung lẫn động mạch cảnh ngoài và động mạch cảnh trong. Trên thực tế, một đường rạch nằm ngang đi qua bờ trong cơ ức đòn chũm, luôn đi qua phía trước của bó mạch, cho dù ta để đầu bệnh nhân ở tư thế nào, thẳng hay nghiêng về bên đối diện.
Động mạch cảnh ngoài ở trong vùng cho ra rất nhiều nhánh bên (h 368). Nhánh đầu tiên là nhánh động mạch giáp trên, nhánh này tách ra ở ngay trên nguyên uỷ của động mạch. Sau đó là đến các động mạch lưỡi và động mạch hầu lên, các động mạch này tách ra ở cách nguyên uỷ của động mạch cảnh ngoài khoảng 2 cm (khoảng 1 cm trên nguyên uỷ của động mạch giáp trên). Động mạch mặt và động mạch chẩm tách ra trên động mạch lưỡi khoảng 5mm. Cuối cùng là động mạch tai sau, tách ra ở phía trên động mạch chẩm.
Thần kinh XII bắt chéo phía ngoài động mạch cảnh ngoài, ngay phía dưới nguyên uỷ của động mạch chẩm. Thần kinh thanh quản trên bắt chéo ở mặt trong động mạch (h 359), rồi đi vào trong một tam giác được tạo nên bởi động mạch cảnh ngoài ở phía ngoài, thần kinh XII ở phía trên và thân tĩnh mạch giáp lưỡi mặt ở phía dưới.
Tĩnh mạch cảnh trong nằm ở phía ngoài động mạch cảnh chung ở phía dưới và động mạch cảnh trong ở phía trên. Riêng đối với động mạch cảnh chung, tĩnh mạch còn bao phủ mặt trước của động mạch, nhất là ở phía dưới. Ở phía sau, tĩnh mạch cảnh trong có liên quan với các củ trước của các mỏm ngang các đốt sống cổ. Ở phía trước và phía ngoài, tĩnh mạch liên quan mật thiết với các hạnh bạch huyết phía trước và phía ngoài của chuỗi cảnh trong.
Thần kinh X nằm ở trong bao tạng, phía sau góc nhị diện được tạo nên bởi phía trong là động mạch cảnh chung ở dưới thấp, động mạch cảnh trong ở trên cao và phía ngoài là tĩnh mạch cảnh trong (h365,368). Nhánh tim của thần kinh này đi xuống phía dưới, đầu tiên đi ở mặt ngoài sau đó đi ra trước động mạch.
Các động mạch cảnh, tĩnh mạch cảnh trong và thần kinh X đi chung trong cùng một bao cảnh, đến lượt chúng lại được bọc trong một bao liên kết riêng của mình (h 368). Bao này được coi là các vách ngăn, ngăn các thành phần này với nhau. Đi xuống trong bao mạch này còn có các nhánh mạch hay là các nhánh cảnh của thần kinh IX, thần kinh X và thần kinh giao cảm cổ. Chúng hình thành một đám rối thần kinh ở xung quanh hành cảnh gọi là đám rối gian cảnh. Nhánh xuống của thần kinh XII đi xuống dưới phía trước của bó mạch thần kinh trong một chẽ cân của bao mạch, ngay phía trước góc nhị diện được tạo ra bởi động mạch và tĩnh mạch cảnh trong. Khi tới ngay phía trên cơ vai – móng, nhánh này đi cong ra phía sau và phía ngoài, bắt chéo mặt trước của tĩnh mạch cảnh trong, hình thành một quai gọi là quai cổ để nối với nhánh xuống của đám rối cổ.
Nhánh xuống của đám rối cổ lúc đầu đi xuống ở phía trong tĩnh mạch cảnh trong, trong một chẽ cân của bao mạch, sau đó chui qua đi vào phía bên trong của bao mạch.
Phía sau bó cảnh và bao cảnh có các thành phần:
Hạch thần kinh giao cảm cổ trên nằm phía sau tĩnh mạch cảnh trong, phía ngoài dây X, trong một chẽ cân của lá trước sống mạc cổ.
Nhánh thần kinh giao cảm tim cổ trên đi xuống dưới ở phía trong của thân giao cảm cổ, nó cũng nằm trong chẽ cân của lá trước sống mạc cổ.
Hạch thần kinh giao cảm cổ – ngực có hai phần: Phần cổ nằm trong vùng dưới cơ ức đòn chũm. Phần ngực nằm trong hố trên sau màng phổi, phía trước cổ xương sườn thứ nhất, phía sau động mạch đốt sống, ở trên vách sau của màng đỉnh phổi.
Động mạch và tĩnh mạch dưới đòn
Người ta thường mô tả động mạch và tĩnh mạch dưới đòn trong hố trên đòn. Tuy nhiên, tất cả các phần trong cơ bậc thang hay còn gọi là phần trước cơ bậc thang của các mạch máu này, trừ phần đi thẳng lên phía trên ở trong ngực của động mạch dưới đòn trái, đều thuộc về vùng ức đòn chũm (h369).
Động mạch dưới đòn phải ngay ở sau nguyên uỷ ở phía sau khớp ức sườn đòn 3cm đi vào vùng ức đòn chũm. Còn động mạch dưới đòn trái đi vào trong vùng muộn hơn và chỗ đi vào ở phía ngoài hơn một chút so với động mạch dưới đòn phải. Chỗ đi vào vùng cũng ở sâu hơn so với bên phải (khoảng 4,5 cm phía sau đầu trong xương đòn).
Phần trước cơ bậc thang của các động mạch dưới đòn (không kể phần đi trong ngực của động mạch dưới đòn trái) đi ra phía ngoài, lên trên và hơi ra trước tạo thành một đường cong lõm xuống dưới, trong đó, động mạch dưới đòn bên phải đi hơi cao hơn và hơi trước hơn một chút so với động mạch dưới đòn bên trái. Ở đoạn này, động mạch nằm áp sát vào vòm màng phổi và đào thành một rãnh phía trước đỉnh phổi. Đỉnh của rãnh này nằm dưới điểm cao nhất của đỉnh phổi khoảng 8mm .
Phần trước cơ bậc thang của động mạch được bao quanh bởi một đám rối thần kinh xuất phát từ hạch giao cảm cổ – ngực và quai dưới đòn (xem tr 234)
Tĩnh mạch dưới đòn chạy ở phía trước dưới của động mạch dưới đòn ( xem tr 267). Sau đó, nó cùng tĩnh mạch cảnh trong đổ vào thân tĩnh mạch cánh tay đầu. Chỗ hai tĩnh mạch gặp nhau được gọi là hội lưu tĩnh mạch Pirrogoff. Chỗ này nằm ngay phía sau đầu tận trong của xương đòn và khớp ức đòn. Đổ vào đây còn có các tĩnh mạch cảnh ngoài, cảnh trước, cảnh sau và tĩnh mạch đốt sống. Các tĩnh mạch này đổ trực tiếp vào hội lưu hoặc vào tĩnh mạch dưới đòn hay tĩnh mạch cảnh trong đoạn ở ngay sát hội lưu.
Đổ vào chỗ hội lưu tĩnh mạch còn có thân bạch huyết đầu ở bên phải (nếu có) và ống ngực ở bên trái.
H 35: Liên quan của động mạch dưới đòn phải.
Ở bên phải nằm giữa một bên là động mạch dưới đòn, một bên là tĩnh mạch dưới đòn và hội lưu tĩnh mạch là 3 dây thần kinh (h369) đi từ ngoài vào trong là dây hoành, quai dưới đòn và thần kinh X. Mặt dưới động mạch được bao quanh bởi 3 quai dây thần kinh từ trong ra ngoài là thần kinh sống (spinal), quai dưới đòn và nhánh nối thần kinh giao cảm với dây hoành.
Ở phía trước động mạch dưới đòn bên phải theo thứ tự từ sau ra trước gồm 5 lớp:
– Lớp thần kinh được tạo thành từ trong ra ngoài bởi các dây Thần kinh X, nhánh trước của quai dưới đòn và thần kinh hoành.
– Lớp tĩnh mạch được tạo nên bởi tĩnh mạch dưới đòn, các nhánh tĩnh mạch đổ vào nó và nguyên uỷ của thân tĩnh mạch cánh tay đầu.
– Lớp cơ bao gồm chỗ bám phía sau của cơ ức – giáp và cơ ức đòn chũm bên phải.
– Lớp cơ xương tạo nên bởi xương đòn và cơ ức đòn chũmvun
– Cuối cùng là lớp da và tổ chức dưới da.
Ở bên trái, liên quan phía trước cũng tương tự bên phải. Chỉ khác là thần kinh X thay vì vòng xuống dưới động mạch dưới đòn, tiếp tục đi xuống dưới dọc theo mặt bên của động mạch cảnh chung trái rồi bắt chéo cũng động mạch chủ ở phía sau của động mạch này. Dây thần kinh thanh quản quặt ngược được tách ra ở phía dưới cung động mạch chủ.
Động mạch dưới đòn cho ra phần lớn các nhánh bên ở đoạn trước cơ bậc thang (hay đoạn phía trong cơ bậc thang) trừ động mạch vai sau. Trong số các nhánh bên đó, có 3 nhánh là động mạch đốt sống, động mạch giáp dưới và động mạch cổ lên đi lên vùng ức đòn chũm.(h369,370)
Động mạch đốt sống đi thẳng lên phía trên, phía sau bó mạch thần kinh cổ, phía trước hạch cổ ngực, khuyết trên màng đỉnh phổi của hạch này và lá trước sống của mạc cổ. Sau đó, động mạch chui vào trong lỗ mỏm ngang của đốt sống cổ 6 rồi tiếp tục đi lên qua các lỗ mỏm ngang của các đốt sống cổ còn lại, bắt chéo mặt trước của các dây thần kinh sống. Tĩnh mạch đốt sống đầu tiên đi ở phía ngoài động mạch, khi xuống dưới nó chuyển ra phía trước động mạch.
Động mạch giáp dưới đi lên ở phía sau bó mạch cổ, phía ngoài động mạch đốt sống. Sau đó, nó bắt chéo phía sau bó mạch ở phía dưới củ trước của mỏm ngang đốt sống cổ thứ 6. Đây là củ nổi nhất về phía trước trong số các củ trước mỏm ngang của các đốt sống. Củ này ở trên xương đòn khoảng 6 cm, ngang mức với cung trước của sụn phễu.
Động mạch cổ lên đi lên, áp vào lá trước sống của của mạc cổ, phía sau bao mạch, phía ngoài động mạch giáp và phía trong thần kinh hoành, trong bao của cơ bậc thang trước.
Cung của ống ngực tuỳ người, có thể lên cao hơn phía trên động mạch dưới đòn trái. Tuy nhiên nó luôn nằm trong tam giác đốt sống được giới hạn bởi thực quản ở bên trong, cơ bậc thang trước ở phía ngoài và cung xương sườn 1 ở dưới thấp. Trong tam giác này, ống chạy (h 370) ở phía sau và phía ngoài bó mạch cổ, phía trước và phía trong bó mạch đốt sống và thần kinh hoành (thần kinh này đi trong một chẽ của bao cơ bậc thang trước. Quai của ống ngực có thể bắt chéo phía trong hoặc phía ngoài một hạch phần dưới của chuỗi hạch cảnh. Điều này giải thích tại sao ống ngực có thể bị tổn thương khi nạo vét hạch cổ.
H 36: Liên quan của ống ngực ở nền cổ
- Vùng cổ bên hay tam giác cổ sau
Vị trí và giới hạn
Vùng cổ bên nằm ở phần bên của cổ, phía trên xương đòn, phía sau vùng ức đòn chũm và phía trước vùng gáy.
Giới hạn của nó ở phía trước là bờ sau cơ ức đòn chũm, ở phía sau là bờ trước cơ thang và ở dưới thấp là xương đòn.
Hình thể ngoài
Vùng này có hình tam giác, đáy ở dưới thấp chính là xương đòn, còn đỉnh ở trên cao là nơi giao nhau của cơ ức đòn chũm và cơ thang. Vùng này cũng được gọi là hố trên đòn lớn. Mặt ngoài của vùng lõm về phía trong và phía sau. Mức độ lõm khác nhau tuỳ cá thể, tuy nhiên độ sâu của vùng lõm luôn tăng dần từ phần cao đến phần thấp của vùng.
Cấu trúc
- Da và mô dưới da chứa cơ bám da và các nhánh của TK trên đòn
H 37: Hố thượng đòn. Lá trước khí quản của mạc cổ và cơ vai móng đã được cắt và vén sang hai bên, lớp mô liên kết được lấy bỏ.
Ở trong tổ chức dưới da, gần góc trước dưới của vùng còn có tĩnh mạch cảnh ngoài đi qua, sau khi chui qua lớp mạc nông của cổ.
- Lá nông mạc cổ
Lá nông mạc cổ mỏng, lát phía dưới của toàn bộ tổ chức dưới da của vùng. Ở phía dưới, nó bám vào bờ trước xương đòn. Phía trước, nó liên tiếp với bao cơ ức đòn chũm còn ở phía sau liên tiếp với bao cơ thang. Ở góc trước dưới của vùng, tĩnh mạch cảnh ngoài đi xuyên qua lá nông của mạc cổ để đi xuống lớp sâu.
Lá trước khí quản và cơ vai móng
Ở phần dưới của vùng, phía sâu dưới lớp lá nông mạc cổ là một lớp mạc – cơ được cấu tạo bởi bụng dưới cơ vai móng và lá trước khí quản của mạc cổ. Lớp này có hình tam giác được giới hạn phía trên bởi cơ vai móng, phía dưới bởi xương đòn, phía trong bởi cơ ức đòn chũm. Nó có tên là tam giác vai đòn.
Bụng dưới cơ vai móng đi vào trong vùng phía sau xương đòn ở ngay sát góc sau dưới của vùng rồi đi chếch lên trên vào trong và ra trước chui ra phía sau bờ sau cơ ức đòn chũm để đi vào vùng ức đòn chũm.
Lá trước khí quản của mạc cổ ở bên ngoài bao bọc lấy cơ vai móng, ở phía dưới bám vào bờ sau của xương đòn. Tĩnh mạch cảnh ngoài và tĩnh mạch cảnh trước đi xuyên qua lá này để đổ vào tĩnh mạch dưới đòn.
Tam giác được tạo bởi phía dưới là cơ vai móng, phía sau là cơ thang, phía trước là cơ ức đòn chũm được gọi là tam giác chẩm.
Lớp mô liên kết và các hạch bạch huyết dưới mạc
Hai mặt trước và sau của mặt phẳng mạc – cơ vai móng được phủ bởi các lớp tế bào liên kết trong đó lớp phía sau dày hơn lớp phía trước nhiều lần. Hai lớp mỡ này ở phía trên hợp lại làm một ở tam giác chẩm. Lớp này ở phía trong liên tiếp với lớp mô liên kết của vùng ức đòn chũm. Ở phía ngoài nó lan xuống phía dưới cơ thang và liên tiếp với tổ chức liên kết nằm giữa cơ thang và hố trên gai gọi là đám hạch dưới cơ thang cổ.
Cấu tạo của lớp mô liên kết dưới mạc của vùng trên đòn cũng giống như cấu tạo của lớp mô liên kết vùng ức đòn chũm. Nó chứa đựng phần lớn các hạch bạch huyết của chuỗi cổ ngang và chuỗi gai.
Trong lớp mô liên kết này còn có:
Ở trên cao là nhánh bên của thần kinh XI đi chéo xuống dưới, ra ngoài và ra sau.
Ở dưới thấp là động mạch trên vai và động mạch vai sau. Tĩnh mạch cảnh ngoài cùng đi qua vùng này để đi vào phía sâu.
Động mạch vai trên và vai sau đi ở phía sau của mặt phẳng mạc – cơ vai móng.
Tĩnh mạch cảnh ngoài đi xuống trong lớp tế bào liên kết này sau đó đi chéo xuống dưới vào trong đổ vào hội lưu tĩnh mạch. Thường thì tĩnh mạch đi xuyên qua lớp mạc của tam giác vai đòn, nhưng đôi khi nó cũng đi qua tam giác vai thang (ở phía trên cơ vai móng) để xuống dưới.
Các nhánh trên đòn của đám rối cổ nông cũng đi vào lớp tế bào này, chúng đi ra phía trước của mặt phẳng mạc – cơ vai đòn rồi xuyên qua lá nông của mạc cổ để đi ra nông.
Lớp cơ sâu
Lớp mô liên kết dưới mạc nói trên phủ mặt trước các cơ bậc thang, nó ngăn cách với các cơ này bởi lá trước sống của mạc cổ.
Thần kinh hoành đi xuống trong một chẽ mạc của lá mạc bao phủ cơ bậc thang trước. Thần kinh này đầu tiên đi ở mặt trước đó sau đó đi xuống mặt trong của cơ. Ở mặt này, thần kinh hoành bên trái bắt chéo quai ống ngực.
Các cơ bậc thang trước giữa và sau ở trên cao, gần chỗ bám của chúng vào các mỏm ngang của các đốt sống cổ, thường không tách rời nhau. Cơ bậc thang giữa và cơ bậc thang sau còn dính với nhau cho đến tận chỗ bám của cơ bậc thang giữa vào xương sườn thứ nhất, sau đó cơ bậc thang sau mới tách ra để đi xuống bám vào xương sườn thứ hai. Trong khi chỉ một đoạn ngắn sau nguyên uỷ, cơ bậc thang trước đã tách ra khỏi cơ bậc thang giữa. Khoảng cách giữa hai cơ này tăng dần từ trên xuống dưới, tới xương sườn thứ nhất, hai chỗ bám tận của hai cơ được ngăn cách bởi rãnh động mạch dưới đòn ở mặt trên xương. Đi qua khoảng cách này là động mạch dưới đòn và đám rối cánh tay (h371). Thần kinh trên đòn đi xuống dưới ngay trước đám rối, dọc bờ bên của cơ bậc thang trước. Các mạch máu và thần kinh ở trong khoảng liên cơ baac thang này được phủ bởi một lá sợi mỏng nhưng chắc chắn. Nó liên tụ với bao mạc của các cơ thang.
Động mạch dưới đòn đi từ vùng ức đòn chũm vào hố trên đòn nằm trong khoảng liên cơ bậc thang. Tại đây nó nằm trên một rãnh ở mặt trên xương sườn thứ nhất. Rãnh này nằm ở ngay phía trong của củ cơ bậc thang trước. Động mạch dưới đòn chiếm ‘’góc sườn bậc thang trước’’ (góc tạo bởi xương sườn thứ nhất và bờ sau của cơ bậc thang trước. Trong tư thế tay thẳng góc so với trục cơ thể, khoảng cách từ bờ sau xương đòn đến rãnh động mạch là khoảng 3 cm (xem tr 235).
Các thân của đám rối thần kinh cánh tay ở trong khoảng liên cơ bậc thang nằm ở phía trên và phía sau động mạch. Tuy nhiên, càng gần đến đỉnh của hố nách các thân này càng có xu hướng đi xuống dưới, ra phía sau của động mạch.
Động mạch trên vai tách ra từ thân động mạch giáp cổ đi xuống bắt chéo phía trước trong của cơ bậc thang trước ở ngay phía trên xương sườn thứ nhất rồi chạy phía sau cơ vai móng cho tới khi khuất sau dây chằng mỏm quạ.
Động mạch vai sau tách ra từ động mạch dưới đòn ở đoạn liên cơ bậc thang, sau đó đi lên phía trên và ra ngoài, xuyên qua đám rối cánh tay ở giữa rễ cổ 6 và cổ 7 rồi bắt chéo lần lượt mặt trước bên của cơ bậc thang giữa (trên xương sườn thứ nhất 1 cm), mặt bên của cơ bậc thang sau và mặt trong của cơ nâng vai nơi nó cho ra nhánh động mạch dưới cơ thang. Sau đó nó đi xuống phía dưới cơ trám (rhomboide).
Giống như động mạch dưới đòn, tĩnh mạch dưới đòn đi qua rãnh ở xương sườn thứ nhất, phía sau xương đòn và cơ dưới đòn, ở phía trước và phía trong động mạch. Nó ngăn cách với động mạch bởi cơ bậc thang trước. Trước khi đi xuống vùng nách, động mạch và tĩnh mạch dưới đòn gặp nhau.
Ở phía ngoài các cơ bậc thang, động mạch và tĩnh mạch dưới đòn đi qua khoảng kẽ giữa xương sườn thứ nhất và xương đòn để đi xuống vùng nách.
Ở đây, tĩnh mạch thường dính với cân cơ dưới đòn. Nó cũng dính với lá trước sống của mạc cổ bởi một chẽ cân tách ra từ là này.