Điều trị tụt lợi khu trú

Mục tiêu

Bài viết này sẽ trình bày các kỹ thuật phẫu thuật khác nhau để điều trị tụt lợi khu trú. Các nguyên nhân chính gây ra tụt lợi khu trú đã được phân tích ở một cuốn sách khác trong cùng seri này (Periodontal Medicine – A Window on the Body).

Kết quả

Sau khi đọc xong bài viết này, người đọc cần nắm được các lựa chọn điều trị phẫu thuật khác nhau để nâng chiều cao lợi và che phủ chân răng bị bộc lộ khi có tụt lợi khu trú. Người đọc cần hiểu được phẫu thuật lợi niêm mạc có thể khó khăn về kỹ thuật, các giới hạn mà phẫu thuật có thể đạt được, và nhận biết được các bệnh nhân cần phải chuyển đến các chuyên gia nha chu.

Giới thiệu

Tụt lợi là sự bộc lộ bề mặt chân răng do sự di chuyển về phía chóp của đường viền lợi. Điều trị lợi niêm mạc (còn gọi là phẫu thuật thẩm mỹ lợi) có thể cần thiết nhằm:

  • ngăn cản tụt lợi thêm
  • sửa chữa các vấn đề thẩm mỹ
  • hỗ trợ kiểm soát mảng bám
  • giảm nhạy cảm ngà
  • chuẩn bị một giường mô rắn chắc cho phẫu thuật implant.

Có một vài phương pháp điều trị lợi niêm mạc khác nhau, thường bao gồm di chuyển các mô của bệnh nhân để nâng chiều cao lợi và che phủ chân răng bị lộ.

Thăm dò Sức khoẻ nha khoa ở người lớn gần đây nhất tiến hành ở Anh cho thấy 66% người lớn có răng có ít nhất một răng với một bề mặt chân răng bị lộ, mòn, đã được hàn hoặc sâu răng. Tụt lợi là một đặc điểm phổ biến ở cả cộng đồng dân cư có tiêu chuẩn vệ sinh răng miệng tốt hay kém. Nó có thể khu trú hay toàn thể.

Các yếu tố nguy cơ của tụt lợi

  • Sang chấn – chủ yếu gây ra bởi chải răng quá mạnh và ít gặp hơn là tự gây sang chấn. Chấn thương thường dẫn đến tụt lợi khu trú.
  • Các yếu tố giải phẫu – chiều cao và chiều dày trong ngoài của lợi dính hẹp có thể dẫn đến tụt lợi. Tụt lợi thường bắt đầu trên mặt ngoài của răng. Ngách tiền đình nông và phanh môi bám cao có thể gây cản trở việc kiểm soát mảng bám và dẫn đến tụt lợi.
  • Răng lệch lạc – các khiếm khuyết cửa sổ xương và khe nứt xương (Hình 9-1a,b) thường được phát hiện xung quanh các răng lệch lạc. Chúng làm cho răng dễ bị tụt lợi hơn.
  • Điều trị sau chỉnh nha – Sự dịch chuyển tịnh tiến của răng về phía môi có thể làm chúng đi ra khỏi bản xương ổ răng mặt ngoài. Viêhc này có thể dẫn đến hình thành khe nứt xương sau đó.

QE21_Bateman_fig144a.jpg

Hình 9-1a Hình ảnh minh hoạ cửa sổ xương.

QE21_Bateman_fig144b.jpg

Hình 9-1b Hình ảnh minh hoạ khe nứt xương.

Phân loại tụt lợi của Miller

Trong khi nhiều phân loại tụt lợi được sử dụng trong các nghiên cứu dịch tễ, phân loại của Miller là chỉ số lâm sàng được dùng phổ biến nhất (Bảng 9-1). Phân loại này giúp phẫu thuật viên nha khoa nhận biết được khó khăn và khả năng thành công của điều trị phẫu thuật.

Bảng 9-1 Phân loại tụt lợi của Miller
Loại I: Tụt lợi viền chưa đến ranh giới lợi niêm mạc. Không mất xương hay mô mềm ở kẽ răng. QE21_Bateman_fig145a.jpg
Loại II: Tụt lợi viền đến hoặc vượt quá ranh giới lợi niêm mạc. Không mất xương hay mô mềm ở kẽ răng. QE21_Bateman_fig145b.jpg
Loại III: Tụt lợi viền đến hoặc vượt quá ranh giới lợi niêm mạc. Mất xương hoặc mô mềm ở kẽ răng thấp hơn ranh giới men cement nhưng cao hơn giới hạn dưới của tụt lợi viền. QE21_Bateman_fig145c.jpg
Loại  IV: Tụt lợi viền vượt quá ranh giới lợi niêm mạc. Mất xương kẽ răng thấp hơn giới hạn dưới của tụt lợi viền. QE21_Bateman_fig145d.jpg

Điều trị tụt lợi

Điều trị tiền phẫu thuật

Bao gồm kiểm soát mảng bám, loại bỏ cao răng, giảm viêm và sử chữa các phục hồi sai quy cách. Nên đưa ra lời khuyên cho bệnh nhân về kỹ thuật chải răng không sang chấn. Có thể sử dụng mẫu nghiên cứu hoặc ảnh chụp để kiểm tra sự tiến triển của tổn thương tụt lợi.

Điều trị tiền phẫu thuật là giai đoạn đầu tiên rất quan trọng với tất cả bệnh nhân tụt lợi. Việc tiến hành phẫu thuật ở các bệnh nhân kiểm soát mảng bám chưa đủ hay tiếp tục bị sang chấn là không nên, thậm chí có hại. Nếu có các yếu tố giải phẫu, như phanh môi bám cao, làm cho việc kiểm soát mảng bám trở nên khó khăn hoặc không thể, chúng nên được ưu tiên xử trí phẫu thuật trước tiên.

Quan niệm truyền thống về chiều rộng lợi dính đầy đủ nhằm dự phòng mất bám dính không được khoa học ủng hộ. Sức khỏe của lợi có thể được duy trì độc lập với kích thước của chúng. Có các bằng chứng từ cả các nghiên cứu thực nghiệm và lâm sàng co thấy, khi có mặt mảng bám, các vùng với lợi dính hẹp có khả năng “đề kháng” với mất bám dính tiếp diễn như ở răng với lợi dính rộn (Dorfman, 1982).

Chỉ định điều trị phẫu thuật

Các chỉ định được liệt kê dưới đây đều giả định bệnh nhân kiểm soát mảng bám tốt và có động lực:

  • Kém thẩm mỹ – bệnh nhân không chấp nhận tình trạng tụt lợi, đặc biệt là khi có đường cười cao, răng nhìn dài quá mức hoặc đường viền lợi bất bình thường.
  • Nhạy cảm ngà mà không thể kiểm soát được bằng các chất chống nhạy cảm.
  • Hình dạng bất thường của đường viền lợi gây cản trở kiểm soát mảng bám.
  • Tổn thương tụt lợi ngày càng tiến triển.
  • Di chuyển răng do chỉnh nha có thể tạo ra khe nứt xương ổ răng (dehiscence) – nếu làm tăng chiều dày mô mềm phủ bên trên có thể làm giảm nguy cơ tiến triển tụt mô mềm.
  • Tạo ra một giường mô mềm thuận lợi hơn trước khi phẫu thuật cắm ghép implant (Chương 11).

Hộp 9-1 trình bày các chống chỉ định của phẫu thuật lợi niêm mạc.

Hộp 9-1 Chống chỉ định của phẫu thuật lợi niêm mạc

  • Đang hút thuốc lá
  • Túi quanh răng
  • Mong đợi của bệnh nhân là phi thực tế
  • Không đủ mô liên kết ở vị trí cho
  • Tụt lợi nặng – Miller loại IV
  • Tụt lợi do tự gây ra sang chấn
  • Phanh môi bám cao, cần phải sửa chữa trước khi phẫu thuật
  • Các chống chỉ định nội khoa, ví dụ, bệnh nhân xơ cứng bì (scleroderma)

Phẫu thuật lợi niêm mạc được định nghĩa là thủ thuật phẫu thuật nha chu được thiết kế nhằm sửa chữa các khiếm khuyết trong hình thái, vị trí và/hoặc số lượng của lợi bao quanh răng. Mục tiêu điều trị của phẫu thuật lợi niêm mạc là làm tăng mô sừng hóa và che phủ chân răng. Có một vài phương pháp điều trị khác nhau để che phủ chân răng bị lộ:

  • ghép lợi tự do
  • ghép mô liên kết dưới biểu mô
  • vạt có cuống trượt sang bên
  • vạt trượt về phía thân răng
  • tái sinh mô có hướng dẫn (Chương 5.

Lựa chọn bệnh nhân và các yếu tố liên quan đến kết quả

Phẫu thuật lợi niêm mạc là một thủ thuật đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, bao gồm các thao tác khéo léo thực hiện trên mô nha chu.
Để thành thạo các kỹ thuật này, cần phải rèn luyện và có kinh nghiệm. Lựa chọn bệnh nhân và phương pháp phẫu thuật cẩn thận là rất cần thiết để che phủ bề mặt chân răng tối đa. Nên cân nhắc các yếu tố sau đây:

  • Chiều cao của xương kẽ răng và nhú lợi ảnh hưởng đến tiên lượng che phủ chân răng. Che phủ chân răng sẽ không bao giờ vượt quá điểm cao nhất của mô kẽ răng. Trong trường hợp có mất xương hay mô mềm vùng kẽ răng, kết quả che phủ chân răng là không dự đoán được. Chỉ hy vọng che phủ một phần chân răng với các tụt lợi loại III Miller, với các tụt lợi loại IV thì không thể che phủ.
  • Che phủ một tụt lợi nông, hẹp nói chung dễ dàng hơn che phủ một tụt lợi rộng. Khả năng sống của mô ghép phụ thuộc nhiều vào giường mạch bên dưới. Diện tích bề mặt chân răng bị lộ lớn thì cấp máu sẽ ít hơn. Do đó, che phủ bề mặt chân răng ở các răng nanh lồi ra và răng hàm có thể sẽ khó thành công hơn.
  • Không nên đặt mô ghép lên trên các phục hồi do sẽ không đạt được sự che phủ. Các phục hồi nông có thể được loại bỏ trước khi ghép.
  • Cần phải đánh giá mô mềm kế cận, đặc biệt là lượng lợi sừng hóa. Điều này sẽ giúp lựa chọn loại thủ thuật phẫu thuật để che phủ tổn thương.
  • Mô ghép phải có kích thước rộng và dày để che phủ diện tích bị lộ. Khả năng hoại tử mảnh ghép sẽ cao hơn nếu mô ghép mỏng hoặc quá dày nhằm tái lập mạch máu hoàn toàn.
  • Sau phẫu thuật, khâu mảnh ghép sát khít với vị trí nhận sẽ giúp ổn định và bất động.
  • Người ta thấy rằng tình trạng hút thuốc có ảnh hưởng bất lợi lên lành thương nha chu sau phẫu thuật và có thể dẫ đến che phủ chân răng thất bại.

Điều trị chuẩn bị

Phanh môi bám cao có thể gây cản trở kiểm soát mảng bám. Có thể cân nhắc tiến hành thủ thuật cắt phanh môi trước phẫu thuật ghép hoặc thực hiện cùng lúc với phẫu thuật ghép. Thủ thuật này bao gồm cắt chỗ bám của phanh môi vào lợi. Lành thương thường diễn ra thuận lợi; tuy nhiên, nếu thủ thuật cắt phanh môi được tiến hành trước phẫu thuật ghép thì nên đợi lành thương hoàn toàn rồi mới thực hiện phẫu thuật ghép(Hình 9-2a–d).

QE21_Bateman_fig148a.jpg

Hình 9-2a Phanh môi bám cao ở răng cửa giữa dưới.

QE21_Bateman_fig148b.jpg

Hình 9-2b Cắt chỗ bám của phanh môi.

QE21_Bateman_fig149a.jpg

Hình 9-2c Khâu đóng với chỉ tự tiêu.

QE21_Bateman_fig149b.jpg

Hình 9-2d Sau khi khâu đóng.

Chuẩn bị chân răng

Chân răng được sửa soạn cơ học trước bất kỳ phẫu thuật lợi niêm mạc nào nhằm thúc đẩy bám dính sinh học của mô ghép lên bề mặt chân răng. Bề mặt chân răng được làm sạch kỹ lưỡng bằng đầu siêu âm hoặc dụng cụ cầm tay và bơm rửa với nước muối vô trùng. Vị trí nhận phải không có cao răng mảng bám và có bề mặt nhẵn, sạch.

Phẫu thuật

Có một vài loại thủ thuật ghép lợi niêm mạc khác nhau. Chương này sẽ trình bày các kỹ thuật phổ biến. Các thủ thuật phẫu thuật có thể được chia thành hai nhóm lớn:

  1. Các thủ thuật ghép mô mềm tự do – mô mềm được chuyển từ một vị trí xa với vị trí tụt lợi để che phủ tổn khuyết:
    • ghép lợi tự do
    • ghép mô liên kết dưới biểu mô.
  2. Các thủ thuật ghép mô mềm có cuống – các loại vạt ghép này vẫn còn dính với nền vạt và chỉ đặt lại vị trí của mô mềm lên tổn thương tụt lợi; vạt vẫn giữ được mạch nuôi trong khi chuyển đến vị trí mới. Các ví dụ bao gồm:
    • Các thủ thuật vạt xoay bao gồm vạt trượt sang bên và vạt trượt nhú lợi kép.
    • Các thủ thuật nâng vạt bao gồm vạt trượt về phía thân răng.
    • Các thủ thuật tái sinh mô có hướng dẫn.

Các thủ thuật ghép mô mềm tự do

Ghép lợi tự do

Ghép lợi tự do có một vài rủi ro phẫu thuật kèm theo và được sử dụng nhằm:

  • tăng chiều rộng của dải lợi sừng hóa (ví dụ, trước cắm implant)
  • tránh tái bám dính của một phanh môi bám cao
  • che phủ chân răng bị lộ
  • làm sâu ngách tiền đình

Kỹ thuật bao gồm rạch ở ranh giới lợi niêm mạc tại vị trí tổn thương tụt lợi, lật một vạt dày bán phần và bộc lộ tổ chức liên kết bên dưới, cần bộc lộ tới ít nhất 3 mm phía dưới tổn thương tụt lợi. Chiều dày của mảnh ghép bao gồm biểu mô và mô liên kết khẩu cái, chiều dày tối ưu là 2 mm. Mảnh ghép được giữ bằng các mũi khâu rời và vị trí cho cũng có thể được khâu để ổn định cục máu đông. Hình ảnh minh họa cho phương pháp này được trình bày ở Chương 11 nhằm cải thiện giường mô mềm xung quanh implant.

Ghép mô liên kết dưới biểu mô

Kỹ thuật này được giới thiệu lần đầu bởi Langer và Langer (1985). Kiểu ghép này được áp dụng theo cách tương tự với ghép lợi tự do. Một vạt dày bán phần (có hoặc không có hai đường rạch dọc giảm căng) được tạo ra ở vị trí nhận. Mảnh ghép mô liên kết cho được lấy từ khẩu cái nhờ kỹ thuật “nắp hầm” (trap door). Vị trí cho thường nằm ở vùng khẩu cái giữa răng cối nhỏ thứ nhất tới răng cối lớn thứ nhất, tránh rạch vào vân khẩu cái. Khi lấy mô khẩu cái, cần phải thận trọng nhằm tránh lỗ khẩu cái lớn, nhờ đó tránh được nguy cơ chảy máu, dị cảm và, nghiêm trọng nhất, hoại tử mô khẩu cái. Do đó, bất kỳ đường rạch khẩu cái nào cũng nên tận cùng ở phía xa mặt gần của răng cối lớn thứ nhất.

Sau đó, ở vị trí nhận, vạt dày bán phần được khâu phủ lên đỉnh mảnh ghép (Hình 9-3a–j; các hình ảnh được lấy từSato, Periodontal Surgery: A Clinical Atlas, 2000). Một ưu điểm của phương pháp này đó là có hai nguồn cung cấp máu ở vị trí nhận từ nền mô liên kết dưới biểu mô và từ vạt phủ bên trên.

QE21_Bateman_fig150a.jpg

Hình 9-3a Tổn thương tụt lợi nằm ở phía má các răng cối nhỏ hàm trên bên trái.

QE21_Bateman_fig150b.jpg

Hình 9-3b Lật vạt dày bán phần (bằng được rạch sắc).

QE21_Bateman_fig151a.jpg

Hình 9-3c Vị trí cho – đường rạch ngang đầu tiên nông và chỉ qua biểu mô và mô liên kết bề mặt.

QE21_Bateman_fig151b.jpg

Hình 9-3d Vị trí cho – đường rạch ngang thứ hai xuống tới xương (trên màng xương).

QE21_Bateman_fig151c.jpg

Hình 9-3e Rạch các đường rạch dọc “nắp hầm” xuống tới xương (trên màng xương).

QE21_Bateman_fig151d.jpg

Hình 9-3f Nắp hầm được lật lên nhờ đường rạch sắc.

QE21_Bateman_fig151e.jpg

Hình 9-3g Mảnh ghép mô liên kết được phẫu tích tự do nhờ đường rạch sắc phía dưới mảnh ghép.

QE21_Bateman_fig151f.jpg

Hình 9-3h Cần rạch đường rạch ngang ở đỉnh của đuôi mô liên kết để giải phóng mảnh ghép.

QE21_Bateman_fig151g.jpg

Hình 9-3i Đặt mảnh ghép lên trên tổn thương.

QE21_Bateman_fig151h.jpg

Hình 9-3j Khâu đóng mảnh ghép vào vị trí.

Có một vài cải tiến của kỹ thuật này đã được trình bày trong các tài liệu, phổ biến nhất bao gồm:

  • kỹ thuật phong bì (Raetzke, 1985)

  • kỹ thuật phong bì trên màng xương (Allen, 1994a,b)

  • phương pháp đường hầm (Zabalegui et al., 1999)

  • phương pháp dưới cuống (Nelson, 1987)

  • kỹ thuật đường hầm vạt có cuống hai bên (Blanes and Allen, 1999).

Một case lâm sàng vạt mô liên kết dưới biểu mô sử dụng phương pháp phong bì trên màng xương được trình bày ở Hình 9-4a–g.

QE21_Bateman_fig152a.jpg

Hình 9-4a Hình ảnh trước phẫu thuật của tổn thương tụt lợi.

QE21_Bateman_fig152b.jpg

Hình 9-4b Chuẩn bị tại vị trí nhận.

QE21_Bateman_fig152c.jpg

Hình 9-4c Chuẩn bị tại vị trí cho – phương pháp nắp hầm.

QE21_Bateman_fig152d.jpg

Hình 9-4d Mảnh ghép mô liên kết.

QE21_Bateman_fig153a.jpg

Hình 9-4e Mảnh ghép được khâu vào vị trí nhận bằng chỉ tự tiêu.

QE21_Bateman_fig153b.jpg

Hình 9-4f Vạt dày bán phần được đặt lại lên mảnh ghép và khâu đóng.

QE21_Bateman_fig153c.jpg

Hình 9-4g Khâu đóng ở vị trí cho.

Các thủ thuật ghép mô mềm có cuống

Vạt trượt nhú lợi kép

Các nhú lợi được trượt từ các răng kế cận và khâu lại với nhau để che phủ tổn khuyết. Hai vạt dày bán phần được chuẩn bị bao gồm hai nhú lợi kế cận. Hai nhú lợi được sử dụng, khi khâu lại với nhau, phải có đủ chiều rộng và chiều cao để che phủ tổn khuyết (Hình 9-5a–b).

QE21_Bateman_fig154a.jpg

Hình 9-5a Các đường rạch của vạt trượt nhú lợi kép.

QE21_Bateman_fig154b.jpg

Hình 9-5b Khâu hai nhú lợi để che phủ tổn khuyết.

Vạt trượt về phía thân răng

Vạt này thường được sử dụng phối hợp với các thủ thuật tái sinh mô có hướng dẫn (GTR). Một vạt niêm mạc màng xương được lật lên và màng xương được rạch giảm căng để cho phép dịch chuyển vạt. Việc này bao gồm một hoặc hai đường rạch nhỏ trên cạnh dưới vạt qua màng xương. Nó sẽ giải phóng sức căng của vạt và cho phép kéo giãn vạt về phía thân răng phủ lên tổn khuyết (Hình 9-6a–c). Một màng tự tiêu thường được đặt phía dưới vạt để che phủ tổn thương tụt lợi. Vạt được khâu ở một vị trí mới nằm về phía thân răng nhiều hơn. Kỹ thuật này đỏi hỏi phải có đủ mô sừng hóa ở phía cuống răng của tổn thương tụt lợi.

QE21_Bateman_fig154c.jpg

Hình 9-6 (a,b) Các đường rạch của vạt trượt về phía thân răng; (c) Vị trí cuối cùng của vạt.

Bảng 9-2 cung cấp thông tin tổng quan về các thủ thuật ghép lợi niêm mạc thường dùng.

Bảng 9-2 Tổng quan về các thủ thuật ghép niêm mạc lợi thường dùng
Kỹ thuật Ưu điểm Nhược điểm
Ghép lợi tự do
  • Đơn giản
  • Tốt với bệnh nhân thiếu chiều sâu ngách tiền đình
  • Thêm vị trí phẫu thuật thứ hai
  • Để lại vết thương rộng ở vị trí cho
  • Màu sắc không giống nhau
Ghép mô liên kết dưới biểu mô
  • Hai nguồn cung cấp máu
  • Che phủ chân răng tốt
  • Phù hợp với các tụt lợi rộng hơn
  • Vết thương nhỏ ở vị trí cho
  • Thêm vị trí phẫu thuật thứ hai
  • Thao tác phức tạp – khó thu hoạch mảnh ghép

Vạt trượt sang bên

  • Nguồn cấp máu của cuống vạt cho còn nguyên vẹn
  • Chỉ có một vị trí phẫu thuật
  • Kỹ thuật tương đối đơn giản
  • Cần có đủ mô sừng hóa ở vị trí kế cận
  • Chỉ che phủ được 1-2 răng
  • Nguy cơ tụt lợi ở vị trí cho

Vạt trượt nhú lợi kép

  • Bộc lộ tối thiểu màng xương bên dưới
  • Vạt cho ít căng hơn
  • Chỉ phẫu thuật ở một vị trí
  • Thao tác phức tạp
  • Khó tiên lượng

GTR phối hợp với vạt trượt về phía thân răng

  • Có khả năng làm tăng hình thành xương
  • Cấp máu của vạt cho còn nguyên vẹn
  • Chỉ phẫu thuật ở một vị trí
  • Tăng chi phí
  • Thao tác phức tạp
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng

Hướng dẫn sau phẫu thuật

Nên khuyên bệnh nhân:

  • súc miệng chlorhexidine gluconate 0.2%  hai lần một ngày trong ba tuần

  • tránh chải răng vào vùng ghép trong một đến hai tuần

  • chế độ ăn mềm

  • uống thuốc giảm đau để kiểm soát đau và khó chịu.

Bám dính bò (Creeping attachment)

Một số trường hợp che phủ chân răng có thể tiếp tục diễn ra nhờ bám dính bò – sự di chuyển sau phẫu thuật của đường viền lợi theo hướng về phía thân răng phủ lên trên diện tích bề mặt chân răng bị lộ trước đây. Hiện tượng này thường xảy ra sau phẫu thuật khoảng 1 đến 12 tháng.

Đánh giá kết quả

Đánh giá sau phẫu thuật ghép và tái khám định kỳ là rất quan trọng.

Nên loại bỏ các mũi khâu từ vị trí cho sau phẫu thuật khoảng một tuần và khám vị trí nhận nhẹ nhàng, cẩn thận xem có ổn định không. Không nên loại bỏ chỉ tự tiêu từ vị trí nhận.

Đánh giá sau phẫu thuật một tháng sẽ cho thấy lành thương ban đầu và thể hiện mức che phủ chân răng. Các lần tái khám sau ba tháng và một năm sẽ cho thấy mức lành thương hoàn toàn và đường viền lợi thẩm mỹ (Hình 9-7a,b).

QE21_Bateman_fig157a.jpg

Hình 9-7a Tổn thương tụt lợi khu trú.

QE21_Bateman_fig157b.jpg

Hình 9-7b Mười hai tháng sau điều trị ghép mô liên kết.

Trong các thủ thuật ghép thì việc quan sát thấy một mức độ co nào đó ở mảnh ghép là điều bình thường. Các phẫu thuật viên kinh nghiệm có thể thấy trước được điều này và lựa chọn một kích thước mảnh ghép phù hợp hơn ngay từ đầu để mang lại sự che phủ tốt hơn mức cần thiết. Sau khi lành thương hoàn toàn, có thể cân nhắc tạo hình lợi lần hai cho mục đích thẩm mỹ nếu cần.

Mong chờ vào sự che phủ hoàn toàn tổn thương tụt lợi trong tất cả trường hợp là phi thực tế, và thường thì che phủ một phần chân răng bị lộ hay tăng chiều dày mô (và do đó đề kháng với chấn thương) đều có thể là biểu hiện thành công.

Che phủ chân răng hoàn toàn được xác định dựa vào các tiêu chuẩn sau:

  • Đường viền lợi đạt tới mức ranh giới men cement.
  • Hiện diện bám dính lâm sàng.
  • Chiều sâu rãnh lợi là 2 mm hoặc ít hơn.
  • Không chảy máu khi thăm khám.

Các điểm mấu chốt

  • Có thể cân nhắc phẫu thuật lợi niêm mạc để điều trị tụt lợi khu trú.
  • Muốn đạt được kết quả tốt thì lựa chọn bệnh nhân và phương pháp phẫu thuật cẩn thận là rất quan trọng.
  • Trong thực hành tổng quát, cần nắm được điều trị ban đầu, không phẫu thuật với các tổn thương tụt lợi và cắt phanh môi nếu cần.
  • Các thủ thuật ghép đòi hỏi thao tác khéo léo, tỉ mỉ; nên rèn luyện thêm trước khi thực hiện các thủ thuật này.
  • Trường hợp phẫu thuật lợi niêm mạc vượt quá phạm vi của thực hành tổng quát, nha sĩ nên nhận biết được các case cần được chuyển và hạn chế của các lựa chọn điều trị sẵn có.

Tham khảo

Allen AL. Use of the supraperiosteal envelope in soft tissue grafting for root coverage. I. Rationale and technique. Int J
Periodontics Restorative Dent 1994a;14(3): 216–227.

Allen AL. Use of the supraperiosteal envelope in soft tissue grafting for root coverage. II. Clinical results. Int J Periodontics
Restorative Dent 1994b;14(4):302–315.

Blanes RJ, Allen EP. The bilateral pedicle flap-tunnel technique: a new approach to cover connective tissue grafts. Int J
Periodontics Restorative Dent 1999;19(5):471–479.

Dorfrnan HS, Kennedy JE, Bird WC. Longitudinal evaluation of free autogenous gingival grafts. A four year report. J Periodontol
1982;53(6):349–352.

Langer B, Langer L. Subepithelial connective tissue graft technique for root coverage. J Periodontol 1985;56(12):715–720.

Nelson SW. The subpedicle connective tissue graft. A bilaminar reconstructive procedure for the coverage of denuded root surfaces.
J Periodontol 1987;58(2):95–102.

Raetzke PB. Covering localized areas of root exposure employing the “envelope” technique. J Periodontol 1985;56(7):397–402.

Zabalegui I, Sicilia A, Cambra J, Gil J, Sanz M. Treatment of multiple adjacent gingival recessions with the tunnel subepithelial
connective tissue graft: a clinical report. Int J Periodontics Restorative Dent 1999;19(2):199–206.

2 comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *