Điều trị chỉnh hình sớm là gì?
Thuật ngữ chỉnh hình sớm đề cập đến tất cả các can thiệp và điều trị có thể được thực hiện trong suốt giai đoạn răng sữa hay răng hỗn hợp với mục đích loại trừ hay giảm tới mức thấp sự bất hài hòa của cấu trúc xương, hàm nhằm giúp đưa đến sự phát triển và tăng trưởng bình thường của khớp cắn, chức năng, thẩm mỹ và tâm lý ở trẻ.
Mục tiêu chung:
– Cải thiện sự phát triển cấu trúc xương, răng
– Loại trừ hoặc kiểm soát bất kỳ các yếu tố môi trường có khả năng ảnh hưởng, chi phối sự phát triển bình thường của khớp cắn
– Tạo môi trường phát triển tối ưu cho sự phát triển khớp cắn
– Sửa chữa hoặc hướng dẫn sự phát triển của khớp cắn sai lệch đến khớp cắn bình thường
– Tạo điều kiện cho giai đoạn chỉnh hình tiếp theo
Phương pháp chung
Những cụm từ phòng ngừa và can thiệp đã được sử dụng trong nhiều loại điều trị chỉnh hình sớm nhưng vẫn còn được hiểu chưa đúng, những thuật ngữ phòng ngừa, can thiệp, sửa chữa nên được giải thích như sau:
– Điều trị chỉnh hình can thiệp bao gồm các loại điều trị nhằm phòng ngừa những sai lệch khớp cắn trước khi nó xảy ra như duy trì khoảng hoặc kiểm soát các thói quen
– Điều trị chỉnh hình can thiệp bao gồm tất cả các loại điều trị có thể được sử dụng trong thời gian phát triển của một khớp cắn bị sai lệch nhằm hướng dẫn sự bất thường thành bình thường và phòng ngừa những tác động bất lợi đối với khớp cắn, một số phương pháp của loại hình điều trị này bao gồm thu hẹp khoảng, nới rộng khẩu cái, sửa chữa cắn chéo răng sau, răng trước, duy trì khoảng leeway trong các trường hợp chen chúc vừa và kiểm soát sự bất hài hòa về kích thước của cung răng và cung hàm
– Điều trị sửa chữa: được tiến hành sau khi sự sai lệch khớp cắn đã phát triển xong.
Tại sao nên điều trị chỉnh hình sớm?
Cơ chế tác động lên sự phát triển của khớp cắn:
Quá trình phát triển của khớp cắn:
Sự phát triển của khớp cắn sau khi sinh diễn ra từ 18-25 năm. Với thời gian dài như vậy, chúng ta có thể nhận thấy được những thay đổi ở các giai đoạn khác nhau của bộ răng. Việc nắm rõ đặc điểm ở từng giai đoạn phát triển của bộ răng giúp chúng ta có cơ hội phát hiện và can thiệp những bất thường trước khi quá trễ.
Trong quá trình này, sự tăng trưởng của hệ thống sọ mặt và sự phát triển của bộ răng có tác động qua lại. Carlson nhận thấy rằng 80% sự tăng trưởng sọ hoàn thành ở độ tuổi 6-8, trong khi chỉ 50% sự tăng trưởng tầng mặt giữa và hàm dưới hoàn thành ở giai đoạn 8-10 tuổi. Như vậy, tiềm năng tăng trưởng của tầng mặt giữa và hàm dưới vẫn còn đáng kể trong giai đoạn bộ răng chuyển tiếp. Việc hiểu rõ sự thay đổi của các yếu tố này và tác động qua lại với sự chuyển tiếp của bộ răng giúp có cơ hội phát hiện và can thiệp sự sai lệch khớp cắn.
Gen và các yếu tố môi trường:
Sự phát triển khớp cắn và đặc điểm của khớp cắn chịu ảnh hưởng bởi 2 yếu tố cơ bản: gen và môi trường. Hai yếu tố này có thể tác động độc lập hoặc kết hợp.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, yếu tố gen có ảnh hưởng nhiều trên hình thể của cấu trúc sọ mặt trong giai đoạn phôi thai, trong khi yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sự phát triển khớp cắn, đặc biệt giai đoạn trẻ sơ sinh. Vì vậy, những sai lệch sớm chịu ảnh hưởng của các yếu tố môi trường trong giai đoạn bộ răng sữa hay hỗn hợp có thể được phát hiện và phòng ngừa. Việc nhận biết và can thiệp sớm những yếu tố này có thể giúp giải quyết hoặc làm giảm tình trạng trầm trọng về sau. Một số ví dụ về các yếu tố này như:
- Mất răng sữa sớm
- Răng sữa tồn tại lâu trên cung hàm
- Bất hài hòa kích thước răng – cung hàm
- Bất thường về số lượng
- Những vấn đề về sự mọc răng
- Các thói quen xấu trong miệng
Hình dạng và chức năng:
Cấu trúc răng hàm mặt là một trong những cấu trúc phức tạp nhất của cơ thể người. Sự tác động qua lại giữa hình dạng và chức năng cũng là một cơ chế quan trọng ảnh hưởng lên sự phát triển của khớp cắn. Sự ảnh hưởng của các bất thường ở cơ trong giai đoạn răng sữa và hỗn hợp không tự sửa chữa và sẽ càng tệ hơn trong tương lai
Khớp cắn dạng khóa:
Cắn chéo răng sau, trước có thể gây ra một số kết quả không mong muốn lên sự tăng trưởng của xương hàm. Có thể kể ra các tình trạng kiểu này như:
- Hẹp cung hàm trên
- Khớp cắn hạng II chi 1, gây hẹp cả cung răng hàm dưới và hàm trên
- Cắn chéo một bên ở vị trí chức năng, rất thường gặp ở giai đoạn răng sữa và hỗn hợp, nếu không điều trị sớm sẽ gây ra tình trạng bất đối xứng ở hàm dưới
- Hầu hết, sự đa dạng của khớp cắn ở giai đoạn sớm của sự phát triển khớp cắn là do mắc phải hơn là di truyền
- Hầu hết các bất thường sớm đều có thể phòng ngừa
- Tiềm năng tăng trưởng tầng mặt giữa và hàm dưới vẫn còn trong giai đoạn chuyển tiếp của bộ răng, đây được xem là một thuận lợi cho việc tiến hành các điều trị sớm
- Xương vùng hàm mặt ở trẻ nhỏ dễ điều chỉnh, do đó việc hướng dẫn khớp cắn cũng dễ thực hiện hơn
Thời gian nào là tốt nhất để tiến hành can thiệp sớm?
Không có câu trả lời cho câu hỏi về thời gian bởi vì không có một thời gian tốt nhất để bắt đầu điều trị sớm. Câu trả lời phụ thuộc vào vấn đề ở bệnh nhân, mỗi bệnh nhân được đánh giá và có kế hoạch điều trị khác nhau. Vấn đề khó khăn ở đây là chọn loại can thiệp phù hợp tại thời điểm thích hợp cho mỗi bệnh nhân. Có một nguyên tắc chung là việc điều trị có thể bắt đầu sau khi răng cối lớn thứ nhất và tất cả các răng cửa vĩnh viễn đã mọc.
Thỉnh thoảng, việc can thiệp có thể sớm hơn, ở giai đoạn răng sữa hoặc giai đoạn sớm của bộ răng hỗn hợp. Một số ví dụ như bị khóa khớp cắn như cắn chéo răng sau, răng trước (đặc biệt khi kèm với sự thay đổi của hàm dưới làm ảnh hưởng lên sự tăng trưởng và phát triển bình thường của khớp cắn), hoặc các vấn đề chức năng như thở miệng, vị trí và chức năng bất thường của lưỡi và một số thói quen xấu khác.
Sau khi thăm khám và chẩn đoán, chúng ta nên đặt ra các câu hỏi sau:
- Có vấn đề bất lợi liên quan đến răng, khớp TDH…không?
- Vấn đề có khả năng tệ hơn theo thời gian không?
- Vấn đề có ảnh hưởng tâm lý bệnh nhân hoặc người khác không?
Nếu câu trả lời là có cho bất kỳ câu hỏi nào thì đây chính là thời gian cần can thiệp
Quá trình can thiệp chỉnh hình sớm diễn ra như thế nào?
Mục tiêu của điều trị chỉnh hình sớm?
Kế hoạch và các kỹ thuật thực hiện điều trị chỉnh hình can thiệp sớm cần được tiến hành theo các mục tiêu:
– Giải quyết các yếu tố nguyên nhân ban đầu nếu có thể
– Can thiệp các vấn đề về sự phát triển
– Phòng ngừa các vấn đề trở nên tệ hơn
– Tạo điều kiện cho sự phát triển bình thường của khớp cắn
– Hướng dẫn sự tăng trưởng
– Kiểm soát sự bất hài hòa kích thước cung hàm-răng
– Giảm các nguy cơ có thể gây chấn thương răng
Các giai đoạn trong điều trị chỉnh hình sớm:
Tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân, tuổi, thời kỳ mọc răng, việc tiến hành điều trị chỉnh hình sớm có thể tiến hành trong một hoặc hai giai đoạn. Đôi khi, có thể phải cần 3 giai đoạn nếu cần một số điều chỉnh như là giải quyết cắn chéo răng sau ở thời kỳ răng sữa, nhổ răng tuần tự ở thời kỳ răng hỗn hợp để tạo điều kiện cho giai đoạn chỉnh hình cuối cùng ở thời kỳ vĩnh viễn.
Một vài bệnh nhân điều trị một giai đoạn thì thường bắt đầu ở thời điểm muộn của bộ răng hỗn hợp và kết thúc ở thời kỳ bộ răng vĩnh viễn. Một số khác có thể tốt hơn khi tiến hành điều trị ở thời điểm sớm hay giữa của thời kỳ răng hỗn hợp, sau đó là một giai đoạn duy trì và kết thúc là giai đoạn điều trị ở thời kỳ răng vĩnh viễn. Khó khăn ở đây là chọn loại can thiệp phù hợp cho từng thời điểm trên từng bệnh nhân.
Trong mỗi giai đoạn điều trị, mục tiêu chính của việc can thiệp là giảm các tăng trưởng bất lợi, phòng ngừa bất thường về xương răng, cải thiện thẩm mỹ nụ cười, cải thiện khớp cắn.
Điều trị chỉnh hình sớm trong một giai đoạn:
Là điều trị bao gồm một loại can thiệp hay sửa chữa được tiến hành ở thời kỳ răng sữa hay răng hỗn hợp nhằm giải quyết nguyên nhân và sửa chữa các bất thường. Ví dụ như, điều trị chỉnh hình sớm một giai đoạn sai khớp cắn hạng II là một giai đoạn điều trị thường bắt đầu vào thời điểm cuối của bộ răng hỗn hợp và kết thúc khi răng nanh mọc hoàn toàn, thường kéo dài trong 2-3 năm, và không yêu cầu gia đoạn điều trị thứ hai.
Điều trị chỉnh hình sớm trong hai giai đoạn: